7 loại công nghệ mới nổi đang được tin tặc khai thác nhiều nhất

7 loại công nghệ mới nổi đang được tin tặc khai thác nhiều nhất
Tạp chí Nhịp sống số - Các chuyên gia an ninh mạng đã chỉ ra những mối nguy hiểm và kêu gọi nâng cao nhận thức về 7 loại công nghệ mới nổi đang được tin tặc khai thác nhiều nhất.

Cảnh báo mối nguy hiểm từ 7 loại công nghệ mới

Công nghệ “deepfake” – tạo ra các đoạn thoại và video giả mạo người thật

Công nghệ Deepfake cho phép con người tự dựng các đoạn video và audio một cách rất “thật” và đang phát triển vượt bậc mấy năm gần đây với những phiên bản sơ khai là những bộ lọc “đổi mặt” trên các ứng dụng chụp ảnh như Snapchat hay Instagram.

Các chuyên gia an ninh mạng lo ngại rằng tin tặc có thể sử dụng công nghệ này để lừa đảo, trong đó có thủ đoạn tin tặc giả làm người khác để dụ nạn nhân tiết lộ thông tin cá nhân.

Điện toán lượng tử dễ dàng bị “bẻ” khóa bảo mật

Vào tháng 9, Google tuyên bố rằng họ đã đạt được “ngôi vương lượng tử” khi xây dựng thành công máy tính lượng tử đầu tiên. Được biết, công nghệ này còn khá non trẻ và chưa có nhiều ứng dụng thực tiễn.

Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng lại quan ngại cho rằng các máy tính lượng tử sẽ dễ dàng bẻ khóa các mã bảo mật trong các sản phẩm như blockchain hay giao dịch thẻ tín dụng. Đồng thời, các chuyên gia cũng lo ngại khi công nghệ này tiếp tục phát triển trong những năm tới sẽ đe dọa các bộ dữ liệu được mã hóa mà các tổ chức như ngân hàng bảo vệ trong nhiều thập kỷ qua.

Mạng 5G: Tăng tốc độ, tăng lỗ hổng

5G đang bắt đầu ứng dụng với vai trò mạng di động thế hệ mới, hứa hẹn hệ thống internet không dây với tốc độ nhanh và băng tần hỗ trợ thêm nhiều thiết bị hơn.

Tuy nhiên, các cơ quan giám sát an ninh lại cảnh báo rằng việc chuyển đổi sang 5G gây lo ngại sẽ mở đường cho tin tặc xâm nhập vào các hệ thống sử dụng mạng. Tốc độ xử lý được gia tăng cũng khiến các thiết bị 5G nhạy cảm hơn trước các vụ tấn công DDoS, trong đó các hacker sẽ gây tắc nghẽn, quá tải và đánh sập server của nạn nhân.

Internet vạn vật: Mối đe dọa với cơ sở hạ tầng bảo mật

Internet vạn vật: Mối đe dọa với cơ sở hạ tầng bảo mật

Hiện nay, internet vạn vật đang được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, khi công nghệ này càng phổ biến thì càng tạo ra nhiều lỗ hổng bảo mật và điều đó tạo thuận lợi cho tin tặc.

Một ví dụ điển hình, các hacker đã chọc thủng mạng lưới điều khiển các tàu chở hàng của Verizon, qua đó định vị được các lô hàng hóa giá trị nhất đang được vận chuyển.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để vượt qua hệ thống an ninh mạng

Trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển vượt bậc, và các hacker đã và đang sử dụng chúng để qua mặt các lớp phòng vệ của hệ thống an ninh mạng. Hacker có thể nhanh chóng dò và tìm ra điểm yếu bảo mật của các hệ thống hoặc công cụ dự đoán nhập văn bản để mạo danh người trong cuộc hòng lừa mục tiêu đưa ra các thông tin nhạy cảm.

Các chức năng điều hành chuỗi cung ứng công nghệ cao: Mối đe dọa khi sử dụng dịch vụ từ bên thứ ba

Các vụ hack “chuỗi cung ứng” được cho là nguyên nhân làm tăng số ca rò rỉ dữ liệu, mà trong đó, chính khách hàng lại là người đột nhập vào dữ liệu của công ty. Đây là kết quả của việc ngày càng nhiều công ty và agency mua dịch vụ từ bên ngoài, thông qua các bên thứ ba, từ đó mở rộng phạm vi tiềm năng cho các vụ tấn công mạng.

Theo một báo cáo gần đây của công ty an ninh mạng Aon, số lượng mục tiêu có khả năng dễ bị tấn công trong “chuỗi cung ứng” đang tăng theo cấp số nhân.

Vận hành thủ tục online trong tổ chức, doanh nghiệp: Tin tốt cho tin tặc

Các công ty và cơ quan chính phủ đang số hóa những thủ tục có thể thực hiện online nhằm tận dụng hiệu quả mà internet mang lại. Song, điều này đòi hỏi phải trả giá bằng tính bảo mật: internet kết nối càng nhiều, khả năng bị hack ngày càng mở rộng, khả năng phòng bị của tổ chức ngày càng giảm. Nếu một bộ phận kết nối internet của tổ chức bị tấn công, sẽ rất dễ dàng để hacker xâm nhập đến các thiết bị khác trong mạng lưới tổ chức đó.

Có thể bạn quan tâm