5 bước xây "thành trì" an ninh mạng ngành công nghiệp nặng

5 bước xây
Tạp chí Nhịp sống số - Với ngành công nghiệp nặng, việc có những dự án mất đến hai năm chỉ để soạn thảo tài liệu dự án và mua phần mềm là không hiếm. Trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng đang nhắm vào non nửa các tổ chức công nghiệp và ngày càng tinh vi hơn, các chuyên gia bảo mật cho rằng cần có sự cải tổ lớn để thay

Đây là vấn đề được ông Alexander Moiseev - Giám đốc Kinh doanh của Kaspersky đặt ra trong bài viết có tiêu đề "Làm thế nào để đẩy nhanh hoạt động bảo mật mạng trong các tổ chức công nghiệp?".

Nhịp Sống Số xin trích giới thiệu bài viết hữu ích này cùng độc giả. 

***

Ông Alexander Moiseev - Giám đốc Kinh doanh Kaspersky

Trong ngành công nghiệp nặng, việc triển khai dự án cho các hệ thống điều khiển công nghiệp cũng không hề đơn giản. Đặc biệt đối với việc lắp đặt hệ thống bảo vệ cho máy tính điều khiển tuabin điện hoặc băng tải ô tô, chúng ta cần phải xem xét nhiều yếu tố, như đảm bảo rằng quá trình thực hiện dự án không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, hay hoạt động bảo mật đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định cần thiết.

Trong một số trường hợp việc triển khai các dự án này có thể mất đến vài năm. Qua trao đổi với một số khách hàng, tôi nhận thấy có thể mất đến hai năm chỉ để soạn thảo tài liệu dự án và mua phần mềm. Trong khi các cuộc tấn công mạng đang nhắm vào gần một nửa các tổ chức công nghiệp và  ngày càng trở nên tinh vi, các doanh nghiệp không nên để quá trình này tiếp tục kéo dài. Dưới đây là một số gợi ý về quản lý và quy trình giúp các tổ chức, doanh nghiệp tránh được điều đó.

1. Phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ phận

Tốc độ thực hiện dự án phụ thuộc nhiều vào người chịu trách nhiệm chính cho dự án và sự phối hợp giữa các bộ phận tham gia. Do đó, điều quan trọng là phải xác định được bộ phận nào đề xuất dự án và bộ phận nào sẽ phê duyệt và triển khai các hạng mục. Ví dụ: một dự án có thể được khởi xướng bởi bộ phận kỹ thuật OT, trong khi việc triển khai được thực hiện bởi bộ phận bảo mật CNTT.

Cũng có trường hợp bộ phận bảo mật CNTT sẵn sàng triển khai dự án nào đó nhưng lại không có ngân sách. Trong khi bộ phận kỹ thuật OT có ngân sách nhưng hoạt động này nằm ngoài khoản chi ưu tiên của họ. Nếu không có sự cân đối ngân sách giữa các bộ phận, việc tranh chấp về mặt ngân sách và tranh cãi giữa các bộ phận có thể kéo dài hàng tháng. Do đó, cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, quy trình ra quyết định mượt mà và xây dựng các tiêu chí thích hợp để giải quyết vấn đề này.

2. Tối ưu hóa quy trình phê duyệt:

Một quy trình phê duyệt không có kết cấu mạch lạc sẽ ảnh hưởng đến độ trễ. Một dự án có càng nhiều nhóm tham gia, càng cần nhiều thời gian để nhận được tất cả các phê duyệt cần thiết. Theo một khảo sát mà chúng tôi đã thực hiện gần đây, điều này, cùng sự chậm trễ trong việc phê duyệt từ cấp quản lý cao nhất là những trở ngại khi các tổ chức doanh nghiệp thực hiện dự án an ninh mạng.

Để triển khai quy trình phê duyệt, cần có deadline rõ ràng, cũng như xác định những hạng mục cần được thống nhất, với ai và ở giai đoạn nào. Trong nhiều trường hợp, nhiều nhà quản lý cấp cao - từ CIO đến CFO – sẽ tham gia vào quá trình phê duyệt. Họ có thể cần thêm thời gian để nhận định vấn đề và đi sâu vào chi tiết hoạt động trước khi đưa ra quyết định.

Thời gian kéo dài cũng bắt nguồn từ thực tế là các dự án an ninh mạng không phải lúc nào cũng chứng minh được tỷ suất hoàn vốn (ROI) nhanh chóng và rõ ràng, chẳng hạn như trong tự động hóa. Việc không thấy được những lợi ích tức thời thường dẫn đến khó khăn trong việc đưa ra quyết định phê duyệt dự án. Điều này cần được khắc phục bằng cách trình bày các lợi thế và ROI dài hạn một cách rõ ràng ngay từ đầu, để quy trình phê duyệt được sắp xếp một cách hợp lý.

3. Trình bày với cấp lãnh đạo theo góc nhìn của họ

Trong một số trường hợp lãnh đạo cấp cao của một công ty sẽ không tham gia vào quá trình thảo luận về vấn đề an ninh mạng, do đó họ sẽ không nhìn thấy được giá trị của việc đầu tư vào các dự án này. Điều này có thể là do sự khác biệt về góc nhìn trong cách trình bày của các bộ phận OT và ban quản lý. Những người làm việc trong bộ phận OT thường sẽ đưa vào quá nhiều chi tiết kỹ thuật khi trình bày một dự án. Mặt khác, họ ít quan tâm đến các mục tiêu kinh doanh mà dự án mang lại, những rủi ro mà dự án có thể giải quyết và dự án sẽ giúp tiết kiệm ngân sách ra sao.

Kỹ năng giao tiếp ở cùng góc nhìn với cấp lãnh đạo nên, và cần được phát triển. Tại Hội nghị An ninh mạng Công nghiệp Kaspersky (Kaspersky Industrial Cybersecurity Conference) diễn ra vào năm 2019, Patrick Miller, Managing Partner tại Archer International, một công ty dịch vụ bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu đã có một bài phát biểu về vấn đề này. Ông đã chỉ ra rất rõ rằng cách tiếp cận dựa trên rủi ro là then chốt khi trình bày một dự án với hội đồng quản trị. Thay vì nói với lãnh đạo về việc giám sát mạng giúp tổ chức phát hiện các cuộc tấn công ở giai đoạn đầu, hãy cho họ biết tổ chức có thể mất những gì nếu không giám sát an ninh mạng. Tập trung vào những vấn đề quan trọng, đó là tiền bạc, lòng tin của khách hàng và đối tác, xếp hạng tín nhiệm và lợi thế của đối thủ cạnh tranh.

4. Tuân thủ các yêu cầu thiết yếu về bảo vệ an ninh mạng

Thông thường, một sáng kiến an ninh mạng xuất phát từ dưới lên trên (nhân viên đưa ra các vấn đề mà mình phụ trách, dựa vào đó, lãnh đạo đưa ra chiến lược/kế hoạch thực hiện). Tuy nhiên, cũng có trường hợp cấp lãnh đạo sẽ là người quyết định đầu tư vào bảo mật để đảm bảo tuân thủ quy định. Xu hướng này thể hiện trong một nghiên cứu thị trường được chúng tôi thực hiện vào năm ngoái. 55% nhân viên công ty cho rằng đầu tư vào bảo mật thông tin công nghiệp là quy định bắt buộc theo pháp luật.

Mặc dù một dự án như vậy vẫn tốt hơn là không có, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu yêu cầu kinh doanh và nhu cầu bảo mật công nghệ thông tin được đồng bộ với nhau. Điều quan trọng là các bộ phận OT, bộ phận công nghệ thông tin và bảo mật thông tin cũng như cấp quản lý và hội đồng quản trị cần đối thoại và cùng nỗ lực để đạt được tiếng nói chung. Các chuyên gia từ công ty tư vấn Oliver Wyman gọi những nỗ lực chung như vậy là sự thay đổi văn hóa cơ bản cần thiết để thu hẹp khoảng cách trong bảo mật ngành công nghiệp.

5. Nâng cao kiến thức chuyên môn cho tổ chức

Một trở ngại khác trong việc triển khai các dự án an toàn thông tin là thiếu kiến thức chuyên môn. Việc phát triển, thực hiện và vận hành dự án, đặc biệt là các dự án lớn phức tạp như SIEM, đòi hỏi các quy trình và cách thức triển khai đặc biệt. Trong một nền công nghiệp đang phát triển, những thứ này không có sẵn cho tất cả các chuyên gia và khó có thể được phát triển trong một sớm một chiều.

Do đó, cùng với việc tối ưu hóa quy trình ra quyết định và phê duyệt, các công ty cần liên tục thúc đẩy việc đào tạo nhân viên. Điều này đồng nghĩa với việc cung cấp cho cả bộ phận công nghệ thông tin và OT những thông tin cập nhật mới nhất về các mối đe dọa, cũng như tiến hành đào tạo chuyên ngành về các giải pháp cho nhân viên. Điều này sẽ giúp các bộ phận hiểu rõ hơn về những ưu tiên và lĩnh vực trách nhiệm của nhau để giao tiếp hiệu quả hơn, từ đó dễ dàng đàm phán hơn trong các dự án.

Có thể bạn quan tâm