Ứng dụng Big Data trong ngành ngân hàng cần có chiến lược

Ứng dụng Big Data trong ngành ngân hàng cần có chiến lược
Tạp chí Nhịp sống số - Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, để triển khai Big Data thành công trong ngành ngân hàng phải có chiến lược tổng thể cùng một đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm cả trong lĩnh vực tài chính và CNTT.

Chia sẻ tại hội thảo "Big Data và ứng dụng trong ngành tài chính ngân hàng" được tổ chức hôm nay 15/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho rằng, ở thời điểm hiện tại dữ liệu số đang trở thành nguồn tài nguyên mới và Big Data (dữ liệu lớn) đang có vai trò quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng.

Trong bối cảnh khối lượng dữ liệu và các nguồn thông tin đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng trong các hoạt động kinh tế, việc ứng dụng công nghệ Big Data đang dần trở nên cấp thiết và phổ biến. Đây cũng là một trong lý do hội thảo "Big Data và ứng dụng trong ngành tài chính ngân hàng" được tổ chức để bàn về những đóng góp to lớn của Big Data đối với ngành ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ giúp họ quản trị và tận dụng được dữ liệu, tài sản lớn nhất cúa ngành trong thời đại công nghệ số như hiện nay đặc biệt là trong các vấn đề về kiến trúc doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh quan hệ khách hàng, quản trị rủi ro và quản trị hiệu suất,..

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và có tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội và hứa hẹn sẽ tạo nên nhiều động lực mới cho phát triển của mỗi quốc gia, tổ chức.

Cuộc cách mạng 4.0 với nền tảng IoT, công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đã đưa dữ liệu lớn lên vai trò trung tâm. Theo ông Nguyễn kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, dữ liệu số trở thành một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng. Từ nguồn dữ liệu số này có thể tạo ra các doanh thu mới và cung cấp những hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ và sản phẩm kỹ thuật số mới. Vì thế, cách xử lý dữ liệu số sẽ phát triển và trở thành một ngành công nghiệp quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Big Data nổi bật so với dữ liệu truyền thống bởi lượng dữ liệu lớn hơn nhiều lần, tốc độ xử lý cao không chỉ bao gồm khả năng truy xuất, phân tích, xử lý gần như tức thời mà bao gồm cả sự đáp ứng với tốc độ thay đổi dữ liệu lớn và thường xuyên.

Ông Nguyễn Kim Anh cho hay: "Sự đa dạng với dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau đặc thù của hoạt động ngân hàng tạo ra một nguồn dữ liệu khổng lồ từ những dữ liệu có cấu trúc như lịch sử giao dịch, hồ sơ khách hàng tới những dữ liệu phi cấu trúc như hoạt động của khách hàng trên web, ứng dụng mobile,… ứng dụng Big Data để khai thác các dữ liệu này sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh và những hiệu quả to lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng".

Cụ thể, Big Data đang có vai trò lớn trong lĩnh vực ngân hàng với các ứng dụng cụ thể như: phân tích, phân loại sự hài lòng và hành vi khách hàng; phân tích phát hiện và cảnh báo, ngăn chặn các hành vi rủi ro, giả mạo; tối ưu hóa hoạt động xử lý dữ liệu trong quá trình vận hành phân tích và hỗ trợ ra quyết định..

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định rằng "để triển khai Big Data thành công phải có chiến lược tổng thể đồng thời xây dựng được một đội ngũ chuyên gia có hiểu biết sâu cả về lĩnh vực tài chính và CNTT đặc biệt là về Big Data. Xác định kết nối và thu thập dữ liệu cần thiết xây dựng cơ chế chính sách chặt chẽ cho việc bảo mật an ninh thông tin..."

Ông Nguyễn Kim Anh cũng cho hay, cần nhận diện đầy đủ các cơ hội, thách thức để Big Data có thể đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của hoạt động tài chính ngân hàng.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã mang đến các hãng công nghệ không chỉ mang đến các giải pháp công nghệ mới đang được ứng dụng trên thế giới mà còn chia sẻ nhiều bài học trong thực tiễn trong việc ứng dụng Big Data nói chung hay tận dụng và tối đa hóa lợi ích từ việc áp dụng Big Data trong hoạt động quản lý và kinh doanh của ngành tài chính ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm

Mastercard và Tập đoàn công nghệ Nhật Bản NEC dự định ra mắt hệ thống thanh toán trực tiếp sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tại cửa hàng khi mua sắm, bắt đầu thử nghiệm tại các thị trường tiềm năng như Singapore, Indonesia… trong năm sau.