Sẽ có cuộc chiến giữa "neobank" với các ngân hàng truyền thống?

Sẽ có cuộc chiến giữa
Tạp chí Nhịp sống số - Thuật ngữ “neobank” diễn tả một ngân hàng kỹ thuật số kiểu mới, chỉ hoạt động qua mạng Internet dưới dạng ứng dụng (app), không có phòng giao dịch, không có chi nhánh, hiện đã bén rễ ở Anh.

Loại ngân hàng này đang thu hút giới trẻ, là giới sẵn sàng mở tài khoản, quản lý tiền bạc, đăng ký thẻ ngân hàng, khóa thẻ tín dụng... tất cả đều qua ứng dụng trên điện thoại di động hay máy tính bảng thay vì bước chân vào trụ sở ngân hàng chờ đến lượt mình giao dịch trực tiếp với nhân viên ngân hàng.

Một trong những tên tuổi nổi lên là Monzo, hiện đã có 1,6 triệu khách hàng từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2015. Đây là ngân hàng có giấy phép đầy đủ, tiền gửi của khách hàng được bảo hiểm. Khách hàng mở tài khoản vãng lai, có đầy đủ chức năng như mở với ngân hàng truyền thống cộng thêm nhiều công cụ hữu ích. Công cụ nổi bật là chức năng theo dõi chi tiêu giúp người dùng biết rõ mình đã tiêu bao nhiêu, vào mục gì, mỗi lần chi tiêu đều được thông báo. Người dùng có thể tự đặt hạn mức để ứng dụng gửi cảnh báo nếu chi quá tay; nếu mất thẻ, có thể dùng ứng dụng khóa thẻ ngay. Monzo hiện không trả lãi cho tiền trong tài khoản, cũng không có loại tài khoản tiết kiệm.

Một “neobank” thành công khác là Starling, một ngân hàng trực tuyến cũng có giấy phép đầy đủ do bà Anne Boden sáng lập. Theo tờ Economist, Boden bắt đầu sự nghiệp làm ngân hàng từ năm 1981, thăng tiến dần dần và đến năm 2012, bà là giám đốc điều hành ngân hàng Allied Irish Banks. Cuộc khủng hoảng ngân hàng Ireland đã buộc bà phải suy nghĩ lại chiến lược phát triển, nhất là khi giới trẻ sống trên chiếc điện thoại di động, không chịu vào trụ sở ngân hàng giao dịch theo kiểu cũ. Bà từ chức vào cuối năm 2013 và bắt đầu tìm hiểu cách các ngân hàng cải tổ; hóa ra đa phần chỉ lo nâng cấp hệ thống máy tính, đóng cửa bớt các chi nhánh chứ không ai nghĩ đến mô hình kinh doanh mới.

Thế là Anne Boden sáng lập Starling, một ngân hàng kỹ thuật số và nhận giấy phép chính thức vào năm 2016. Đến nay Starling đã có 520.000 tài khoản cá nhân. Starling cũng có đầy đủ các chức năng như Monzo, cộng thêm thế mạnh khách hàng có thể gửi tiền khắp toàn cầu bằng 19 loại tiền tệ. Starling cũng bắt đầu trả lãi tuy còn rất ít, 0,5% cho 2.000 bảng Anh đầu tiên, từ 2.000 đến 85.000 bảng Anh thì lãi suất chỉ là 0,2%.

Anh là nước đi đầu trong thử nghiệm các neobank như thế, đến nay nước này đã cấp phép cho 15 ngân hàng kỹ thuật số. Các ngân hàng này hiện chiếm một phần ba tăng trưởng doanh thu của toàn hệ thống ngân hàng ở Anh. Theo một khảo sát của finder.com, 9% người Anh trưởng thành và đến 15% người Anh trong độ tuổi từ 18 đến 23 có tài khoản tại một neobank. Tất cả đang thu vốn đầu tư rất mạnh.

Từ Anh, các ngân hàng này đang lan rộng ra các nước khác. Revolut, khởi đầu là nơi chuyển đổi ngoại tệ sau đó xin thêm giấy phép ngân hàng điện tử tại Lithuania, nay đang chuẩn bị hoạt động khắp khu vực sử dụng đồng euro và cả châu Á. N26 (được đặt tên theo số hình khối trong khối Rubik) khởi nghiệp ở Áo và Đức vào năm 2015 nay đã có mặt ở 24 nước châu Âu. Starling đang phát triển theo hướng thu hút doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của mình trong chi trả.

Điểm đặc biệt là cơ quan quản lý ngân hàng ở Anh (FCA), bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ hệ thống tài chính, lại muốn tạo điều kiện cho ngân hàng kiểu mới phát triển nhanh để xây dựng môi trường cạnh tranh. Chris Woolard, Giám đốc chiến lược và cạnh tranh của FCA, nói với tờ Economist, mỗi khi FCA đặt ra một chính sách, họ xem xét “không chỉ rủi ro điều xấu sẽ xảy ra mà còn rủi ro điều tốt không chịu xuất hiện”.

Kể từ năm 2016, FCA xây dựng một “sandbox” dành riêng cho các cải tiến tài chính (sandbox ở đây là một môi trường mang tính thử nghiệm để doanh nghiệp khởi nghiệp dễ hoạt động còn cơ quan quản lý cũng dễ giám sát). Mỗi năm hai lần, FCA sẽ cho phép 25 doanh nghiệp đăng ký tiếp nhận khách hàng cho sản phẩm mới; nhờ có FCA bảo chứng nên khách không sợ doanh nghiệp thất bại, phá sản, họ mất tiền; còn doanh nghiệp dù chưa có giấy phép vẫn được hoạt động trong một khuôn khổ hạn chế. Nhờ thế, nhiều doanh nghiệp công nghệ tài chính (FinTech) dần dần từng bước đạt mức hoạt động như ngân hàng có giấy phép đầy đủ.

Neobank có hai lợi thế lớn so với các ngân hàng truyền thống: không mở chi nhánh nên tiết kiệm được một nửa chi phí mà các ngân hàng kiểu cũ đang gánh; phần mềm đặt trên nền tảng đám mây nên chi phí cho IT cũng giảm đi rất nhiều. Thông thường các ngân hàng truyền thống phải đạt mức doanh thu 200-400 đô la Mỹ mỗi khách hàng mỗi năm thì mới hòa vốn, thêm một khách là thêm chi phí. Với neobank, con số này chỉ ở mức 50-60 đô la, còn thêm một tài khoản mới hầu như không tốn thêm chi phí nào cả. Chính vì thế, có lẽ chúng ta sẽ còn nghe đến từ “neobank” trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

Mastercard và Tập đoàn công nghệ Nhật Bản NEC dự định ra mắt hệ thống thanh toán trực tiếp sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tại cửa hàng khi mua sắm, bắt đầu thử nghiệm tại các thị trường tiềm năng như Singapore, Indonesia… trong năm sau.