Giảm thiểu ô nhiễm giúp ngành Dệt May, Thời trang duy trì lợi thế cạnh tranh

Giảm thiểu ô nhiễm giúp ngành Dệt May, Thời trang duy trì lợi thế cạnh tranh
Tạp chí Nhịp sống số - Giảm thiểu ô nhiễm và phát triển bền vững là những yếu tố chính để ngành thời trang và dệt may Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh, một chuyên gia nghiên cứu cho hay. Đó là lời khuyến cáo từ Tiến sĩ Rajkishore Nayak - giảng viên cấp cao ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang tại Đại học RMIT Việt


Tiến sĩ Rajkishore Nayak - Giảng viên cấp cao ngành thời trang tại Đại học RMIT Việt Nam

Theo Tiến sĩ Rajkishore Nayak, việc duy trì sản xuất với các công nghệ truyền thống đã tác động khủng khiếp lên môi trường do tiêu thụ quá nhiều năng lượng và nước, tạo ra khí thải nhà kính, và rác thải cũng như nước thải công nghiệp độc hại. “Đáng kinh ngạc là 20% việc ô nhiễm nước đến từ quá trình xử lý hoá chất như nhuộm hay in hoa văn lên vải vóc”, ông nói.

Ước tính, Việt Nam có khoảng 7.000 doanh nghiệp ngành dệt may. Trong đó phần lớn là doanh nghiệp gia công hàng may mặc, chiếm tỷ lệ 85%, còn lại là doanh nghiệp sản xuất vải, nhuộm, chế biến bông, sản xuất xơ, sợi.

Cùng đó, theo vị chuyên gia này, việc vứt bỏ quần áo cũng là vấn nạn lớn với các bãi rác ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ví dụ như ở Anh, hơn 1,5 triệu tấn rác thải thời trang được chôn lấp trong năm 2016. Vấn nạn này để lại những hậu quả vô cùng to lớn như khí thải nhà kính, thẩm thấu hoá chất vào đất đai, các vấn đề sức khoẻ và ô nhiễm không khí tăng cao...

Thực tế cho thấy, thời gian qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này thường chỉ tập trung đầu tư công đoạn cuối cho thành phẩm. Mà trong chuỗi giá trị của ngành dệt may, công đoạn nhuộm và hoàn tất vải lại là những công đoạn phát thải ô nhiễm cao nhất. Nguyên nhân do sử dụng nhiều loại thuốc nhuộm, hóa chất, tiêu thụ nhiều nước, phát sinh nhiều nước thải với nồng độ ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD), các kim loại nặng độc hại, các chất rắn lơ lửng... cũng như độ màu rất cao. Thậm chí, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dệt may là ngành công nghiệp thứ 2 gây ô nhiễm nguồn nước.

Tiến sĩ Nayak đặc biệt nhấn mạnh vào mặt "môi trường" của tam giác bền vững TBL (môi trường, kinh tế và xã hội): “Thời trang và dệt may thực hiện theo cách bền vững có thể xoa dịu trạng thái căng thẳng về hệ sinh thái và xã hội, đồng thời cho người tiêu dùng có ý thức về bền vững được quyền đưa ra lựa chọn đạo đức khi mua những sản phẩm bền vững”.


Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, dệt may là ngành công nghiệp thứ 2 gây ô nhiễm nguồn nước

Với Việt Nam, trong khoảng hai thập kỷ qua, ngành Dệt May đã phát triển vượt bậc. Lợi thế lao động giá rẻ và các chính sách ưu đãi trong nước giúp đẩy mạnh xuất khẩu dệt may và đưa Việt Nam đứng vào nhóm năm nước xuất khẩu dệt may hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nayak, “khoảng 70% các nhà sản xuất dệt may Việt Nam dùng nguyên liệu thô nhập khẩu. Và gần 50% số nguyên liệu này được dùng trong các sản phẩm sẽ được xuất đi”.

Việc lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô cũng như các vật tư khác từ Trung Quốc là một trong những thách thức mà ngành này đang gặp phải, vì đứt gãy chuỗi cung ứng từ việc phong toả các thành phố ở nước này do COVID-19. Riêng Việt Nam đã bị sụt giảm 6,6% trong xuất khẩu hàng may mặc (so với cùng kỳ hàng năm) còn 10,6 tỉ đô la Mỹ trong bốn tháng đầu năm. Nhập khẩu nguyên liệu thô cùng kỳ cũng giảm 3% còn 5,2 tỉ đô la Mỹ.

Từ nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu dệt may ngày càng tăng, cũng như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam sẽ cần phải tự chủ trong sản xuất vải vóc nhằm đáp ứng nhu cầu cũng như thoả mãn nguyên tắc xuất xứ dệt may trong EVFTA.

Nhận định về điều này, Tiến sĩ Nayak cho rằng: “EVFTA chắc chắn sẽ đẩy mạnh xuất khẩu may mặc Việt Nam vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là tìm được nguồn vải đúng chất lượng ở Việt Nam. Ngành thời trang và dệt may sẽ cần đẩy mạnh chất lượng vải vóc để tuân thủ nguyên tắc xuất xứ trong EVFTA. Đây được xem là rào cản lớn nhất với các nhà sản xuất dệt may, vì một số nhà sản xuất thời trang hiện nhập vải từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan với giá thành rẻ hơn nhiều”.

Và như vậy, các nhà sản xuất thời trang và dệt may cũng nên chú trọng thực hành sản xuất bền vững để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải đầu tư vào công nghệ và nguyên liệu bền vững mới, thể hiện qua việc sử dụng sử dụng những loại sợi vải cấp tiến và bền vững, cũng như các nguyên liệu thô khác (có thể tái tạo và phân huỷ sinh học).

Ngoài ra, việc tiết giảm, tái sử dụng và tái chế các sản phẩm may mặc, thời trang cũng đóng vai trò không nhỏ trong mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện nay, ý thức cộng đồng về rác thải tiêu dùng vẫn còn kém, giải quyết vấn đề rác thải thời trang và may mặc sẽ cần sự hợp tác giữa trung ương, chính quyền địa phương, khối tư nhân, toàn xã hội cũng như các bên có liên quan khác.

“Quy định và tiêu chuẩn rác thải nên được tuân thủ chặt chẽ, việc củng cố ý thức người tiêu dùng về rác thải sau tiêu dùng nên được truyền bá rộng rãi và chuyển thành hành động, cũng như nên tạo thói quen sử dụng hiệu quả rác thải dệt may để giảm lượng rác, và kiến tạo hệ thống tái chế khép kín nhằm hỗ trợ đối phó với vấn đề này”, ông kết luận.

Có thể bạn quan tâm