Indonesia đề xuất dự luật kiểm soát nội dung mạng xã hội

Indonesia đề xuất dự luật kiểm soát nội dung mạng xã hội
Tạp chí Nhịp sống số - Theo bài viết đăng trên báo Jakarta Post, các cơ quan truyền thông Indonesia vừa đề xuất một dự luật thắt chặt kiểm soát đối với các nội dung tiêu cực phổ biến thông qua truyền thông xã hội.

Đề xuất này do Hiệp hội Nhà báo Indonesia (PWI), Hiệp hội Nhà báo Truyền hình Indonesia (IJTI) và Hội đồng Báo chí khởi xướng với mục đích kiềm chế sự lan truyền của tin tức giả, ngôn từ kích động thù địch và tuyên truyền tư tưởng cực đoan trên mạng.

Giống như nhiều quốc gia khác, Indonesia đã phải đối mặt với sự lan truyền tin tức giả mạo và các hình thức nội dung tiêu cực khác trên mạng. Trong những năm gần đây, vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn bởi sự cạnh tranh chính trị, chủ nghĩa bè phái và chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo.

Những người đề xuất cho biết nếu dự luật được thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý cho các nền tảng truyền thông xã hội để tự kiểm duyệt nội dung của chính họ.

Nó cũng sẽ bổ sung cho các luật liên quan đã có, như Luật Thông tin và Giao dịch Điện tử (ITE) và một dự luật gần đây về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Không có luật hiện hành nào quy định cụ thể các nền tảng truyền thông xã hội.

Là một trong những người khởi xướng, Chủ tịch IJTI Yadi Handriana cho biết dự luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xóa nội dung trực tuyến tiêu cực bằng cách cung cấp cơ sở pháp lý cho các nền tảng truyền thông xã hội để thực hiện tự kiểm duyệt cần thiết.

Ông trích dẫn trường hợp năm 2017, một người đàn ông Indonesia đã quay video trực tiếp cảnh tự tử của mình trên Facebook gây ra cú sốc rất lớn trong xã hội. 12 giờ sau, Facebook đã gỡ clip này xuống sau khi Chính phủ Indonesia đưa ra cảnh báo. Các nền tảng truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung tiêu cực. Tuy nhiên, hiện tại ở Indonesia chưa có luật nào quy định về việc này.

Nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính sách và vận động chính sách (ELSAM) Wahyudi Djafar nói rằng luật ITE - thường được sử dụng để loại bỏ nội dung trực tuyến tiêu cực có ảnh hưởng khá yếu khi điều chỉnh các nền tảng truyền thông xã hội vì nó chỉ quy định xử phạt hình sự đối với cá nhân.

Một trường hợp điển hình là Điều 40 của luật ITE cho phép chính phủ chặn quyền truy cập vào nội dung liên quan đến khiêu dâm hoặc khủng bố, cũng như các nội dung khác được coi là tiêu cực. Các Điều 27, 28 và 29 về tội phỉ báng, ngôn từ kích động thù địch và tống tiền, cũng gây nhiều tranh cãi.

Gần đây, tòa án ở Tây Nusa Tenggara đã kết án một người theo Điều 27 về tội quấy rối tình dục một phụ nữ trên mạng. Tuy nhiên, sau đó người đàn ông này vẫn được tự do.

Luật ITE không xác định rõ ràng nội dung tiêu cực của người thực hiện hành vi phạm tội trên mạng và các cơ chế xử phạt cụ thể, điều đó có nghĩa là quá trình gỡ bỏ nội dung đã thiếu tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Hiện tại, các báo cáo được thực hiện thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia, sau đó mạng xã hội sẽ xóa nội dung bao gồm thông tin sai lệch, nội dung khiêu dâm, ngôn từ kích động thù địch hoặc chủ nghĩa cấp tiến.

Tương tự như vậy, ông Wahyudi cho biết dự luật bảo vệ dữ liệu cá nhân còn yếu vì nó sẽ chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư của người dùng phương tiện truyền thông xã hội.

Dự luật mới đang được đề xuất sẽ nhấn mạnh nhiều hơn trách nhiệm của các nền tảng truyền thông xã hội trong khi thúc đẩy họ tạo ra một cơ chế tự điều chỉnh. Nhưng dự luật không nên giới hạn chức năng của chính các nền tảng truyền thông xã hội.

Wolfgang Schulz, một chuyên gia trong lĩnh vực mạng Internet và là nhà phê bình của luật truyền thông xã hội ở Đức, phát biểu tại Jakarta rằng các nhà lập pháp nên hết sức thận trọng trong việc soạn thảo luật để không giết chết tự do ngôn luận.

Ông nói rằng các nhà lập pháp nên xác định rõ ràng những gì cần phải loại bỏ khỏi Internet, xem xét văn hóa địa phương và bối cảnh thực hiện nó.

"Bạn chỉ có thể cấm người ta phát ngôn khi có tác hại cụ thể", nó không thể chỉ là một cái gì đó mà một xã hội hoặc thậm chí đa số không thích hoặc mâu thuẫn với các giá trị của họ, ông Schulz nói.

Năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia đã xử lý 6.123 trường hợp trên mạng xã hội Instagram và Facebook, hơn 3.521 trường hợp trên Twitter và 1.530 trên nền tảng chia sẻ video YouTube.

Bộ này cũng đã xóa 912.659 bài đăng và trang web từ năm 2014 đến tháng 10 năm ngoái, bao gồm 453 trang web liên quan đến chủ nghĩa cấp tiến và 186 trang web bị coi là xúc phạm sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo.

Có thể bạn quan tâm

Theo Bộ TT- TT, quảng cáo trên môi trường mạng ngày càng khẳng định vị thế quan trọng với hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp. Do đó cần mở rộng hơn nữa danh sách trắng để doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến.