Các cáo buộc mới nhất với TikTok gây nên mối lo ngại về dữ liệu người dùng

Các cáo buộc mới nhất với TikTok gây nên mối lo ngại về dữ liệu người dùng
Tạp chí Nhịp sống số - Một sinh viên đại học ở California (Mỹ) trong vụ kiện tập thể đã cáo buộc ứng dụng chia sẻ video TikTok chuyển dữ liệu người dùng cá nhân sang máy chủ ở Trung Quốc.

Theo Reuters, các cáo buộc có thể làm tăng thêm những rắc rối pháp lý ở Mỹ đối với TikTok - ứng dụng thuộc sở hữu của công ty công nghệ ByteDance nhưng hoạt động hoàn toàn bên ngoài Trung Quốc. Tik Tok đã phát triển mạnh mẽ và được hâm mộ đặc biệt bởi các thanh thiếu niên ở Mỹ.

TikTok cũng đã phải đối mặt với một cuộc thăm dò an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ về những lo ngại lưu trữ dữ liệu và kiểm duyệt nội dung nhạy cảm liên quan đến chính trị.

Vụ kiện được đệ trình lên tòa án quận Bắc California mới đây cáo buộc TikTok đã lén lút chuyển một lượng lớn dữ liệu người dùng và nhận dạng cá nhân đến các máy chủ ở Trung Quốc. Các tài liệu xác định nguyên đơn là Misty Hong, một sinh viên đại học và cư dân California đã tải xuống ứng dụng TikTok vào tháng 3 hoặc tháng 4.2019 nhưng chưa bao giờ tạo tài khoản. Nhiều tháng sau, cô phát hiện ra rằng TikTok đã tạo một tài khoản mà cô không hề hay biết và tạo ra một hồ sơ thông tin cá nhân bao gồm thông tin sinh trắc học lượm lặt được từ các video cô tạo nhưng không bao giờ đăng.

TikTok đã không trả lời ngay lập tức về các cáo buộc này và vẫn cho rằng họ lưu trữ tất cả dữ liệu người dùng ở Mỹ bằng các bản sao lưu tại Singapore.

Theo hồ sơ, TikTok đã chuyển dữ liệu người dùng đến hai máy chủ ở Trung Quốc là bugly.qq.com và umeng.com gần đây vào tháng 4.2019, bao gồm thông tin về thiết bị người dùng và bất kỳ trang web nào mà người dùng đã truy cập.

Bugly thuộc sở hữu của Tencent, công ty phần mềm di động lớn nhất Trung Quốc, và cũng là nhà sở hữu mạng xã hội WeChat; trong khi Umeng là một phần của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba Group.

Vụ kiện cũng tuyên bố rằng mã nguồn từ gã khổng lồ công nghệ Baidu được nhúng trong ứng dụng TikTok cũng là mã nguồn từ Igexin - một dịch vụ quảng cáo của Trung Quốc mà các nhà nghiên cứu bảo mật phát hiện vào năm 2017 cho phép các nhà phát triển cài đặt phần mềm gián điệp trên điện thoại người dùng.

Các tài liệu pháp lý hiện không cung cấp bằng chứng về việc chuyển dữ liệu hoặc sự tồn tại của mã nguồn Baidu hoặc Igexin trong ứng dụng. Hong và đại diện pháp lý của cô hiện cũng chưa cung cấp các bình luận về vụ kiện này.

Có thể bạn quan tâm

Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân dự kiến sẽ được trình trong quý 2/2024. Trong đó, Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bình Dương là các địa phương được chọn để tổ chức triển khai thí điểm.