Hàng không Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhân tài “nhập khẩu”

Hàng không Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhân tài “nhập khẩu”
Tạp chí Nhịp sống số - Nhân lực ngành Hàng không Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn “nhập khẩu” cho cả các vị trí chuyên môn và quản lý. Biện pháp nào để khắc phục tình trạng tốn kém và lãng phí này?

Đó là một trong những chủ đề được đặt ra tại diễn đàn “Triển vọng nghề nghiệp ngành hàng không” do Đại học RMIT tổ chức ngày 13/7 vừa qua. 

Tham gia diễn đàn “Triển vọng nghề nghiệp ngành hàng không”, các chuyên gia và người làm công tác giáo dục trong lĩnh vực hàng không của Việt Nam và Úc đều khẳng định rằng, đã đến lúc Việt Nam cần tập trung đào tạo nhân tài cần thiết để phát huy hết tiềm năng của ngành với sự giúp đỡ của các đối tác giáo dục đáng tin cậy và theo hướng dẫn của những chính sách phù hợp.

Tại Việt Nam, ngành dịch vụ cốt lõi này đã chứng kiến “tăng trưởng vượt bậc trước COVID-19 nhờ hoạt động du lịch gia tăng và kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn”, nhận định của ông Dương Trí Thành, cựu Tổng Giám đốc Vietnam Airlines tại diễn đàn.

Các lãnh đạo đầu ngành cũng nhấn mạnh đến nhu cầu ngày càng tăng đối với nhân sự phát triển và quản lý sân bay trong thời gian tới. Các kế hoạch đại tu cơ sở hạ tầng hàng không vẫn đang được triển khai tại Việt Nam và được xem là nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia. Một dự án nổi bật là Cảng hàng không quốc tế Long Thành gần TP. Hồ Chí Minh, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, nhận định: quy mô đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng hàng không cũng như tiềm năng tăng trưởng của các dịch vụ bảo trì, sửa chữa và đại tu cho thấy nhu cầu cao đối với nhân sự liên quan đến các lĩnh vực này. 

Diễn đàn ngành hàng không do Đại học RMIT tổ chức đã quy tụ các đại biểu Việt Nam và Úc

Chính vì tính chất đặc thù mà ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc ngưng toàn cầu hóa do những hạn chế đi lại mà đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, ngành này được dự báo sẽ hồi sinh đầu tiên và nhanh nhất sau cuộc khủng hoảng vì tính thiết yếu của nó đối với các nền kinh tế trên toàn thế giới. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng ngành hàng không phải hoàn toàn sẵn sàng khi đại dịch kết thúc.

Hiện tại, lĩnh vực hàng không Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào nhân tài “nhập khẩu” cho cả các vị trí chuyên môn và quản lý. Điều này được coi là tốn kém và lãng phí đối với một quốc gia có lực lượng lao động lớn như Việt Nam.

Theo Phó Tổng Giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương: “Trong nhiều thập kỷ trước 2011 – thời điểm Vietjet – hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động, hàng không là ngành vẫn thuộc quản lý Nhà nước và nguồn lao động trong ngành hàng không vì thế cũng ít phổ biến, nghĩa là chỉ những nhân sự có kinh nghiệm, hiểu biết về hàng không mới có thể được tuyển dụng trong ngành. Sự ra đời của Vietjet và những chính sách mở hơn đã mang tới sự phát triển mạnh mẽ trong ngành hàng không và kéo theo sự bùng nổ nhu cầu về nguồn nhân lực. Thị trường lao động hàng không có phần mở hơn nhưng chưa thực sự phát triển xứng với tiềm năng của nó, cả về đầu vào lẫn đầu ra khi mà ngành hàng không Việt Nam vẫn đang tăng trưởng nhanh như hiện nay. Các vị trí như phi công, tiếp viên, kỹ sư, cán bộ quản lý chuyên môn… khi trở thành một nghề được đào tạo ở các trường đại học, đào tạo nghề chuyên nghiệp thì chắc chắn sẽ mang tới nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của ngành”.

Giáo sư Pier Marzocca - Phó trưởng khoa Kỹ thuật Vũ trụ và Hàng không thuộc Phân viện STEM, Đại học RMIT - cho biết: “Để phục hồi bền vững, ngành hàng không rất cần nhân tài phù hợp để quản lý và vận hành toàn bộ hệ sinh thái ngành. Nếu Việt Nam đào tạo thành công nhân tài đạt tiêu chuẩn quốc tế thì trong tương lai gần, Việt Nam có thể hướng tới mục tiêu cung cấp lao động kỹ năng cao trong lĩnh vực này trước hết cho khu vực và sau đó là toàn cầu”.

Đại học RMIT Việt Nam đã quyết định tiên phong giải quyết nhu cầu cấp bách về nhân tài chất lượng cao này bằng cách đưa vào giảng dạy một chương trình cử nhân hàng không đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giáo sư Aleks Subic, Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường (Phân viện STEM) kiêm Phó giám đốc phụ trách Đổi mới kỹ thuật số của Đại học RMIT, tin tưởng rằng “với 80 năm kinh nghiệm học thuật và danh tiếng trên toàn thế giới trong lĩnh vực giáo dục-nghiên cứu hàng không và hàng không vũ trụ, Đại học RMIT sẵn sàng nắm bắt cơ hội chiến lược này để dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng không trong khu vực”.

“Đây là một năm quan trọng đối với nhà trường bởi chúng tôi đã ra mắt Trung tâm Công nghiệp vũ trụ RMIT. Chúng tôi cũng đang sở hữu và vận hành đội máy bay để đào tạo phi công lớn nhất trong tất cả các trường đại học ở Úc”, Giáo sư Subic cho biết.

Theo Đại học RMIT, trường dự kiến sẽ chào đón lứa sinh viên đầu tiên theo học Cử nhân Khoa học ứng dụng (Hàng không) vào tháng 10 năm nay.

Có thể bạn quan tâm

Sự lo lắng sau tuyên bố của CEO Nvidia Jensen Huang về việc sẽ không cần thiết phải học lập trình nữa vì AI có thể làm điều đó thay cho con người đã trở thành hiện thực khi Microsoft giới thiệu nền tảng mới.