Khó áp dụng blockchain trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản

Khó áp dụng blockchain trong  việc truy xuất nguồn gốc nông sản
Tạp chí Nhịp sống số - Ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản đang là đề tài được rất nhiều đối tượng quan tâm từ nông dân, nhà cung ứng, và cả khách hàng. Tuy nhiên nhiều người vẫn mơ hồ về khái niệm khá mới mẻ này.

Truy xuất nguồn gốc nông sản nhờ ứng dụng công nghệ Blockchain

Hiện nay có khá nhiều công ty cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản. Trong số đó có giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản dựa trên nền tảng blockchain đang rất được quan tâm. Một số mô hình thử nghiệm dựa trên nền tảng blockchain trong truy xuất nguồn gốc như: xoài, thanh long…

Một ví dụ, dự án “Hỗ trợ Nông sản Việt Nam xây dựng nhận diện thương hiệu toàn cầu” với sự tài trợ của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đã được triển khai thí điểm trên chuỗi thanh long xuất khẩu sang thị trường Úc. Những lô hàng thanh long đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sang Úc vào tháng 9/2017 đã đánh dấu bước tiến mới của ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ.

Vấn đề đặt ra là nền tảng blockchain này có gì đặc biệt mà sao ai cũng nói đến. Hay nghe nhất có lẽ là đào tiền ảo dựa trên blockchain, gần đây thì có mạng xã hội dựa trên blockchain, đánh giá dựa trên blockchain, và giờ là truy xuất nguồn gốc nông sản trên nền tảng blockchain. Nó là gì?

Ứng dụng blockchain giúp nguồn gốc minh bạch

Trên thị trường hiện nay tồn tại khá nhiều cách để truy xuất nguồn gốc nông sản, sản phẩm hàng hóa. Trong đó phổ biến nhất là hai công nghệ dùng mã QR và mã số, mã vạch. Gần đây, mã QR đã được ứng dụng nhiều hơn khi nhiều tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh khác tại nhiều vùng trên cả nước.

Vấn đề đặt ra là khi bạn tra các thông tin này (qua mã QR chẳng hạn) bạn chủ yếu nhận được thông tin do nhà phân phối trực tiếp cung cấp, còn thông tin về các nhà cung cấp phía trước của chuỗi sẽ không có, từ đó tính minh bạch của thông tin chưa được đảm bảo. Nhà phân phối chỉ có thể cung cấp cho bạn thông tin chung chung như nông sản được trồng vùng nào, còn ai trồng, ai chuyên chở, ai bảo quản,... thì khó có thể cung cấp, hoặc cung cấp nhưng tính minh bạch không đảm bảo.

Vậy ứng dụng blockchain làm sao giải quyết bài toán trên? Nếu ứng dụng công nghệ này, khi một người nông dân thu hoạch và bán cho nhà cung ứng / công ty, họ sẽ đăng nhập vào ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ (theo tài khoản được cấp sẵn và ứng dụng này được xây dựng dựa trên nền tảng blockchain) để đăng thông tin về lô nông sản (ví dụ: thanh long) họ vừa bán (việc này được cập nhật theo thời gian thực). Tại thời điểm đó, một giao dịch sẽ tạo ra ID duy nhất trong ứng dụng và đi kèm theo là một mã QR. Mã QR này sẽ gắn với lô hàng thanh long đó cho đến khi được bày bán lên kệ. Lưu ý quan trọng là mã QR này được gán với một chuỗi hash (ID) ban đầu và ID này không thể bị thay đổi được (nhưng thêm vào thông tin giao dịch được).

Chính nhờ đặc điểm này, ví dụ tiếp theo nhà cung ứng cũng có thể đăng nhập vào ứng dụng để thêm một giao dịch là đã chuyển cho bên chế biến/xuất khẩu (thông tin này được tiếp nối vào giao dịch sử dụng ID được tạo bởi người nông dân ban đầu, và nó cũng được cập nhật theo thời gian thực), cứ như vậy các giao dịch có thể được tạo tiếp theo bởi bên xuất khẩu, làm sạch, đóng gói, siêu thị,... Các nơi này chỉ có thể thêm vào tiếp nối giao dịch trong ID nói trên nhưng nó sẽ truy xuất được theo mã QR được tạo ban đầu.

Chính vì vậy, người tiêu dùng cuối cùng (hay bất cứ ai trong “chuỗi blockchain” này) đều có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc của từng trái thanh long thông qua việc quét mã QR. Thông tin sẽ hiển thị chi tiết từ lúc anh nông dân thu hoạch cho đến siêu thị. Nhờ mỗi mã QR đính theo ID là duy nhất, tính minh bạch được đảm bảo tối đa.

Có thể bạn quan tâm