Google đã tạo ra một công cụ phát hiện ảnh giả mạo Assembler

Google đã tạo ra một công cụ phát hiện ảnh giả mạo Assembler
Tạp chí Nhịp sống số - Công cụ này là nhằm giúp các nhà báo kiểm tra nguồn ảnh của họ trước khi xuất bản, điều này có thể giúp ích nhiều trong mùa bầu cử đầy căng thẳng ở Mỹ sắp tới và ngành truyền thông nói chung.

Theo CNET, công ty mẹ Alphabet của Google đã tạo ra một công cụ miễn phí có tên là Assembler để giúp xác định xem một bức ảnh có phải là ảnh thật hay chỉ là một tác phẩm giả mạo, đây là một nỗ lực nhằm giúp các nhà báo và các nhà phân tích chống lại công nghệ deepfake vốn đang thao túng sự thật trên các mạng xã hội và cả báo giới. Công cụ này kết hợp một loạt phép thử để phát hiện các bằng chứng về những hiệu ứng cắt dán từ ảnh này sang ảnh khác, chỉnh sửa hay tẩy xóa từ ảnh gốc.

Dự án này là từ đội ngũ Jigsaw của Alphabet, đây là một nhóm các kỹ sư, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu, chuyên gia chính sách và những chuyên gia khác do Alphabet tập hợp nhằm chống lại các nỗ lực công nghệ nhằm giả mạo, đánh cắp thông tin, quấy rối, qua mặt các bộ lọc kiểm duyệt, lan truyền các thông tin bạo lực cực đoan và thao túng các cuộc bầu cử chính trị trên mạng.

Các loại hình thao túng thông tin trực tuyến bằng ảnh và video giả mạo được gọi là deepfake, các hình ảnh không có thật này thường được tạo bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo dựa trên các thuật toán học sâu của máy tính. Deepfake đang ngày càng khiến nhiều người lo ngại khi các công cụ mới cho phép bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tạo ra các bức ảnh giả mạo “y như thật”.

Đặc biệt, vấn đề càng trở nên nhạy cảm khi môi trường chính trị ở đây rất phức tạp với nhiều nguy cơ bị thế lực bên ngoài sử dụng để can thiệp vào các cuộc bầu cử thông qua mạng xã hội. Nhưng vấn nạn này không chỉ xảy ra ở Mỹ, nó còn đe dọa truyền thông toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm