Covid-19 mang đến cơ hội để sắp xếp và thay đổi cách việc làm truyền thống

Covid-19 mang đến cơ hội để sắp xếp và thay đổi cách việc làm truyền thống
Tạp chí Nhịp sống số - Thách thức mà dịch bệnh Covid-19 mang đến vừa tạo áp lực, vừa mở ra cơ hội để ngành thông tin và truyền thông (TT-TT) phát triển và ứng dụng công nghệ số sâu rộng hơn trong xã hội, để xã hội vận hành thông suốt theo phương thức mới, thích ứng nhanh với mọi thay đổi.

Đó là nhận định được Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm chia sẻ tại Hội thảo "Công nghệ Băng thông rộng thúc đẩy phát triển nền kinh tế số: Tầm nhìn và Giải pháp công nghệ", diễn ra trực tuyến với nhiều điểm cầu kết nối giữa Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Sở TT-TT của một số tỉnh.

Theo đó, Thứ trưởng Phan Tâm nhận định: "Thách thức mà dịch bệnh Covid-19 mang đến vừa tạo áp lực, vừa mở ra cơ hội để ngành TT-TT phát triển và ứng dụng công nghệ số sâu rộng hơn trong xã hội, để xã hội vận hành thông suốt theo phương thức mới, thích ứng nhanh với mọi thay đổi..."

Hạ tầng Viễn thông, 5G, hạ tầng băng rộng, kinh tế số, Covid-19,

Hiện, Bộ TT-TT đang nghiên cứu, chủ trì xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia với kỳ vọng sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.  Trong bức tranh chung đó, nền kinh tế số, xã hội số cùng các ứng dụng số đều vận hành dự trên một hạ tầng số. Do vậy, mục tiêu xuyên suốt trong thời gian tới của ngành TT-TT là phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, có khả năng giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, theo Thứ trưởng Phan Tâm, hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ viễn thông cần có những đổi mới. Nhà khai thác cần xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng mạng đi trước một bước, tập trung đầu tư mở rộng mạng cáp quang, tăng tỷ lệ dịch vụ Internet cáp quang đến hộ gia đình; mở rộng vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng dịch vụ 4G và từng bước triển khai 5G hiệu quả, đầu tư vào trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây, những thành tố cơ bản của hạ tầng số. Bên cạnh đó, cần tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng nhằm tiết kiệm chi phí, bảo đảm cảnh quan môi trường và sự an toàn của người dân; đẩy mạnh hợp tác phát triển các ứng dụng, dịch vụ mang lại nhiều giá trị cho xã hội như: giao thông thông minh, thành phố thông minh... đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy các dịch vụ trực tuyến.

Được biết, công nghệ 5G đang được Chính phủ quan tâm và đặt trọng tâm thúc đẩy phát triển thông qua kiến tạo các chính sách thuận lợi và thông thoáng nhất cho doanh nghiệp. Việc phát triển công nghệ 5G nằm trong chiến lược phát triển hạ tầng và dịch vụ thông tin băng rộng của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng đánh giá chủ đề của Hội thảo về Công nghệ Băng thông rộng thúc đẩy phát triển nền kinh tế số lần này là rất thiết thực, mang tính thời sự cao. Đây là dịp để đại diện cơ quan quản lý, nhà mạng, doanh nghiệp ứng dụng cũng như các chuyên gia công nghệ có cơ hội gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ các ý kiến về tầm nhìn, chính sách, giải pháp phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng.

Tại hội thảo, ông Lê Quang Huy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định: "Giữa bối cảnh Covid-19 đang có tác động mạnh tới toàn cầu, hàng loạt hoạt động từ kinh doanh, y tế, giáo dục… tại Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trên nền tảng internet. Do đó, cơ hội cho lĩnh vực viễn thông băng rộng rất lớn, góp phần giúp ổn định nền kinh tế, xã hội".

Ông Lê Quang Huy cũng cho rằng, thời gian tới, vai trò của hạ tầng viễn thông băng rộng sẽ ngày càng lớn và phát triển mạnh, đặt ra các thách thức lớn trong việc chuyển đổi từ các dịch vụ truyền thống sang ứng dụng công nghệ số.

Về phía các doanh nghiệp, ông Bùi Sơn Nam - Phó tổng giám đốc MobiFone - cho biết: trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng băng rộng di động liên tục tăng cao trong nước. Trước thực tế này, MobiFone đã có các phương án đáp ứng nhu cầu thị trường. Tại các khu vực cách ly Covid-19, nhà mạng cũng đã được tăng cường trạm phát, đảm bảo sử dụng tốt nhất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trường Giang, Phó tổng giám đốc VNPT VinaPhone đánh giá nhu cầu sử dụng internet tăng mạnh, từ đối tượng khách hàng doanh nghiệp cho tới cá nhân. Tại thời điểm hiện nay doanh nghiệp cũng áp dụng nhiều chính sách, chế độ linh hoạt phù hợp với thị trường như miễn cước 2 tháng cho gia đình các bác sỹ tham gia chống Covid-19, khuyến khích giảm giá từ 5-20% thanh toán qua VNPT Pay…

Có thể bạn quan tâm

Xiaomi chính thức ra mắt chuỗi sự kiện Xiaomi Fan Festival 2024, nhân dịp dòng sản phẩm Redmi Note 13 đạt nhiều thành tích ấn tượng tại thị trường Việt Nam với các hoạt động giảm giá sản phẩm độc quyền.