Thúc đẩy phát triển Chính phủ số: Cần cách nghĩ, cách làm mới

Thúc đẩy phát triển Chính phủ số: Cần cách nghĩ, cách làm mới
Tạp chí Nhịp sống số - Chuyển từ cung cấp những gì cơ quan nhà nước có, sang cung cấp những gì người dân cần; Cổng Dịch vụ công xây dựng theo mô hình nền tảng, hình thành hệ sinh thái để các doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện... Đó là những điểm mới về mô hình và cách thức xây dựng Chính phủ số được các chuyên gia đưa

Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 do IDG Vietnam phối hợp với Hội Truyền thông số tổ chức dưới sự bảo trợ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND Thành phố Hồ Chí Minh. 

Tham dự sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện nay, Bộ đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Bộ TT&TT kỳ vọng đây sẽ là chiến lược tổng thể, đưa ra được tầm nhìn, mục tiêu, trách nhiệm triển khai các nội dung theo một lộ trình, đảm bảo việc thực hiện được đồng bộ, kế thừa, kết nối, phát triển cả chiều sâu, chiều rộng.

Việc phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), Chính phủ số, Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng quan trọng của quốc gia đã được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua. Trong đó, có thể kể đến Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng năm 2025; Quyết định 749 ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030…

Thực hiện các chủ trương trên, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số đã vào cuộc quyết liệt triển khai xây dựng CPĐT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Qua đó, đem lại những kết quả tích cực, tạo nền tảng cho chuyển đổi số trong Chính phủ để phát triển Chính phủ số những năm tới đây theo định hướng của Bộ Chính trị và của Chính phủ.

Theo Báo cáo xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tăng hạng 13 bậc từ năm 2014. Riêng kỳ đánh giá gần đây nhất được công bố hồi tháng 7, xếp hạng CPĐT tử Việt Nam tăng 2 bậc, từ 88/193 năm 2018 lên thứ 86/193 quốc gia, nhưng vẫn xếp vị tí thứ 6/11 ở khu vực ASEAN.

Cùng đó, theo thống kê của Cục Tin học hóa, đến tháng 9/2020, trên cả nước tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã đạt 19,1%, gấp gần 4,2 lần so với năm 2018. Trong đó, có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 15 tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ trên 30%. Điển hình, có Bộ Y tế và Bộ TT&TT đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4; tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, với riêng mức 4 đạt gần 55%.

Để đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra là cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 trong năm nay, Bộ TT&TT đang nỗ lực, đổi mới cách làm, đổi mới mô hình triển khai làm sao để thúc đẩy nhanh việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 4.

Tham gia vào quá trình này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng chứng tỏ vai trò của mình, hiện rất nhiều giải pháp công nghệ cho chính phủ điện tử đều do chính doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, MobiFone, VNPT… phát triển.

Phát biểu tại sự kiện, đại diện Viettel cho biết: Với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và sự góp sức của các doanh nghiệp công nghệ nước nhà, mục tiêu năm 2025 hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lọt vào Top 4 ASEAN về phát triển CPĐT không phải quá khó với Việt Nam.  

Đại diện Viettel cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, định hướng mô hình và đưa ra các giải pháp trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, hướng tới CPĐT. Trong đó, để thực hiện Chuyển đổi số và CPĐT thì 4 yếu tố được coi là trụ cột bao gồm: Môi trường pháp lý (thể chế), Công nghệ, Nguồn lực và Con người.

Cụ thể, ông Phạm Anh Đức - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, để xây dựng nền tảng phục vụ chuyển đổi số, CPĐT cần phải có: Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng cụ thể; Đẩy mạnh hạ tầng điện toán đám mây, và Phát triển các nền tảng dùng chung như: Nền tảng định danh và xác thực điện tử; nền tảng sàn giao dịch định danh; Nền tảng ứng dụng di động để truy cập dịch vụ Chính phủ điện tử, Dịch vụ số qua thiết bị thông minh…

Tham gia vào chủ đề này, Tập đoàn VNPT cũng cho biết, thời gian qua, VNPT đã tập trung vào xây dựng nhiều bài toán về công nghệ 4.0, cụ thể như: trí tuệ nhân tạo (AI) trong triển khai mô hình đô thị thông minh, bài toán AI về thị giác, công nghệ nhận dạng quang (AI/OCR), xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP, dữ liệu lớn BigData… Đó là những ưu thế công nghệ để VNPT tham gia cùng Chính phủ để phát triển, triển khai nhiều bài toán quốc gia như hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo điều hành của CP… VNPT xác định, đây mới chỉ là bước sơ khởi ban đầu. Tham gia vào “chuyển đổi số quốc gia”, VNPT sẽ ưu tiên mọi nguồn lực, tập trung những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất cùng đội kỹ sư giàu kinh nghiệm nhất để đồng hành cùng Nhà nước và Chính phủ.

Cũng tại sự kiện, các giải pháp lớn cho vấn đề này đã được đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cùng thảo luận trong các phiên Tọa đàm. Đặc biệt, điều hành phiên tọa đàm cấp cao với chủ đề “Giải pháp công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến và phát triển chính phủ số”, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT, Tập đoàn FPT - khẳng định: “Để phát triển CPĐT từ cấp bộ ngành đến các cục vụ, từ trung ương đến địa phương, quan trọng nhất là phải bắt đầu từ việc đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục, đừng chạy theo số lượng mà hãy quan tâm đến chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Làm sao cho người dân cảm thấy thuận lợi, dễ dàng nhất , phải truyền thông để người dân biết, xây dựng được cho người dân niềm tin về việc nhà nước đang nỗ lực thế nào trong phát triển chính phủ điện tử. Đây sẽ là những nhân tố tăng tốc phát triển chính phủ điện tử với mục tiêu coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm mà Việt Nam đang hướng tới".

Có thể bạn quan tâm