Trao đổi tại Hội thảo “Hệ lụy của loại hình
“Không một hãng nào có thể đưa ra mức giá cước 6.000 đồng như Grab đang áp dụng hiện nay”, ông Trần Đức Trí, đại diện hãng taxi Thanh Nga nói.
Về chất lượng dịch vụ, cả phương tiện và người lái của Grab, Uber hiện chưa có chế tài để kiểm soát về tập huấn nghiệp vụ của lái xe và niên hạn sử dụng phương tiện. Thậm chí, Grab đăng công khai trên website là không có trách nhiệm hay nghĩa vụ pháp lý nào đối với hành vi, sai sót của nhà cung cấp dịch vụ vận tải đang cung cấp dịch vụ cho khách hàng thông qua ứng dụng Grab Taxi.
“Không gắn thiết bị giám sát hành trình, không chịu trách nhiệm khi lái xe, hành khách gặp rủi ro, không đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho lái xe…, đó là những bất cập khó có thể chấp nhận”, ông Phạm Duy Kính, đại diện VIC taxi bức xúc.
Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho hay: Cả Grab và Uber đều là công ty kinh doanh về công nghệ theo giấy phép kinh doanh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, họ không kinh doanh vận tải.
Do vậy, theo Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải Hà Nội, Grab hay Uber chỉ là một phần mềm ứng dụng trên smartphone để kết nối người có nhu cầu đi lại bằng taxi với công ty taxi, mà ở đây cụ thể là với nhân viên lái xe của công ty taxi.
Về bản chất các công ty Uber, Grab không cung cấp dịch vụ vận tải và theo quy định của pháp luật, cũng không được phép cung cấp dịch vụ này, họ chỉ tạo ra nền tảng để bên cung cấp dịch vụ vận tải và bên sử dụng dịch vụ vận tải gặp nhau. Tuy nhiên, trên thực tế các công ty này lại không đơn thuần chỉ kinh doanh phần mềm, cung cấp giải pháp công nghệ mà còn hoạt động sang cả lĩnh vực kinh doanh xe taxi.
Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội Nguyễn Anh Quân nhấn mạnh, các công ty Grab, Uber đang trực tiếp thực hiện các hoạt động của một công ty kinh doanh xe taxi, bao gồm: lưu trữ, quản lý thông tin hồ sơ của lái xe; tiếp nhận nhu cầu của khách, thực hiện việc cung cấp thông tin hai chiều cho lái xe và khách; điều động xe, quyết định hành trình đi của xe; quyết định hành trình đi của xe; quyết định giá cước khi kết thúc hành trình; thu phí của lái xe, khuyến mãi cho khách hàng; nhận và giải quyết phản hồi của khách hàng…
Như vậy, xét ở khía cạnh pháp lý, Uber và Grab đang vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Cụ thể, theo Điều 67 Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thì loại hình kinh doanh xe taxi là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn vị kinh doanh phải đáp ứng những điều kiện nhất định như đăng ký kinh doanh, bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng phương tiện phù hợp với loại hình kinh doanh; xe phải gắn thiết bị giám sát hành trình, lắp đặt bảng hiệu, logo, đồng hồ tính cước… Đó là những điều kiện mang tính bắt buộc để một công ty taxi hiện nay được hoạt động.
Với quy định trên cho thấy, nếu công ty Grab hay Uber muốn tham gia thị trường cung cấp dịch vụ taxi ở Việt Nam thì họ chỉ có thể lựa chọn một trong hai hình thức: Thứ nhất, tự thành lập doanh nghiệp kinh doanh xe taxi của riêng mình theo đúng như quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, ký hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh xe taxi hiện có với tư cách là công ty đối tác cung cấp giải pháp công nghệ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp taxi. Và trong trường hợp này, công ty cũng không được tự ý định giá cước cho hành khách, thu phí của lái xe và đăng ký khuyến mãi cước vận tải như đang làm mà những việc này vẫn phải do doanh nghiệp kinh doanh xe taxi thực hiện.
Ngoài hai hình thức trên, nếu Uber, Grab trực tiếp hợp tác với các cá nhân chỉ có phương tiện và giấy phép lái xe, hoặc với một số đơn vị kinh doanh vận tải hành khách thuộc loại hình khác, không phải là đơn vị thuộc loại hình kinh doanh taxi như quy định của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 86 hiện hành quy định thì cả Uber, Grab và các cá nhân, đơn vị tham gia đều hợp tác đều vi phạm pháp luật, phải bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi kinh doanh trái phép.