Tỷ phú Jack Ma và cơn đau đầu hàng giả trên Alibaba

Tỷ phú Jack Ma và cơn đau đầu hàng giả trên Alibaba
Tạp chí Nhịp sống số - Uy tín của Alibaba đã sụt giảm trong năm 2015 vì những vụ lùm xùm về hàng giả, và đây hứa hẹn tiếp tục là thách thức trong năm 2016 của gã khổng lồ kinh doanh trực tuyến này, theo Bloomberg.

Tỷ phú Jack Ma và cơn đau đầu hàng giả trên Alibaba

Những ngày cuối năm 2015, tỷ phú Jack Ma gắn liền với thương vụ mua lại tờ báo Hồng Kông South China Morning Post. Tuy nhiên xét về việc kinh doanh, thách thức lớn nhất vẫn sẽ chờ đợi doanh nhân người Trung Quốc này chính là Alibaba và những mối lo về hàng giả trên công cụ mua bán trực tuyến này.

Chiến đấu với “căn bệnh ung thư”

Jack Ma từng nổi tiếng với việc so sánh hàng giả với “bệnh ung thư”, tuy nhiên Alibaba của ông không ít lần “dính” cáo buộc kinh doanh hàng giả và cả các mặt hàng nguy hiểm.

Chỉ trong năm 2015, Alibaba đã chứng kiến 50 tỷ USD “bốc hơi” khỏi thị trường, trong bối cảnh vấp phải những chỉ trích và cáo buộc pháp lý từ doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc, Bloomberg cho biết.

Chính vì thế, việc “gột rửa hình ảnh” là nhiệm vụ tối quan trọng của Alibaba trong năm 2016, để giành lại sự tin tưởng của các đối tác đầu tư và đặc biệt là khách hàng nước ngoài, khu vực mà ông Jack Ma kỳ vọng sẽ chiếm hơn một nửa doanh thu của công ty trong một thập kỷ.

Để giải quyết cấp bách tình trạng này, Alibaba đã bổ nhiệm Matthew Bassiur, một cựu nhân viên của Apple phụ trách về tội phạm trên mạng và điều tra chống hàng giả.

Nhiệm vụ của ông Matthew Bassiur là giám sát các nỗ lực quốc tế nhằm tránh vi phạm bản quyền, vốn là vấn đề lớn trong một Trung Quốc tai tiếng với tình trạng hàng nhái tràn lan.

“Hàng giả là một vấn đề với tất cả những công ty thương mại điện tử trên toàn cầu, và chúng tôi đang làm tất cả để giải quyết, chiến đấu với nó”, Bloomberg trích một nội dung trong email của Alibaba hôm 18/12.

Vào tháng 8/2015, Alibaba đã tung ra một phiên bản tiếng Anh của đường dây nóng báo cáo hàng giả, nhằm củng cố niềm tin của khách hàng trên thế giới về uy tín của công ty, theo CNBC.

Từ năm 2013 đến 2014, gã khổng lồ thương mại điện tử này cũng chi hơn 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 161 triệu USD) để loại bỏ các sản phẩm hàng nhái.

Hướng ra thế giới: Vẫn là bài toán “hàng giả”

Trong một bài trả lời phỏng vấn Bloomberg hôm 11/11/2015, Jack Ma đã khẳng định rằng Alibaba không phải là Amazon, mà thực chất mỗi công ty con của Alibaba đều là một... Amazon.

“Amazon mua sau đó bán sản phẩm. Chúng tôi là một nền tảng... Chúng tôi nghĩ rằng nếu Amazon là một quả táo lớn, thì chúng tôi là một cây táo”, tỷ phú Trung Quốc ví von.

Alibaba là một mô hình liên kết giữa người mua và người bán, nghĩa là chỉ tạo một “diễn đàn” mua bán với hơn 10 triệu doanh nghiệp thuộc mọi quy mô. Một trong những công ty con của Alibaba là Taobao thậm chí còn không tính phí trên các giao địch đó, mà chỉ thu lợi nhuận từ quảng cáo.

Đây chính là tham vọng lớn của Alibaba, nhất là sau đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên (IPO) năm 2014, chính thức đưa công ty tiến lên một cấp độ mới và là bước chuyển mình lịch sử của Jack Ma.

Tuy nhiên việc các sản phẩm bắt đầu “không còn thuộc về Alibaba” đã kéo theo các vấn đề kiểm soát hàng nhái, trong khi Alibaba bắt đầu phải “quốc tế hóa” hơn và chịu sức ép lớn hơn kể từ khi IPO.

Trong năm 2016 này, nhiệm vụ của Alibaba và tỷ phú Jack Ma càng gặp thách thức lớn hơn với tham vọng (và bắt buộc) phải bứt khỏi Trung Quốc.

Hồi tháng 11 vừa qua, Jack Ma từng nhận định rằng kinh tế Trung Quốc trong năm 2016 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. “Tôi tin rằng 15 tháng tới đây sẽ là một giai đoạn khó khăn cho Trung Quốc vì nhiều lý do, tất nhiên, trong đó việc kiểm soát tham nhũng sẽ có những tác động lớn”, ông nói với CNBC.

Nhận định của Jack Ma đồng nghĩa với việc Alibaba phải nghĩ đến con đường khác để giữ lợi nhuận, đơn giản vì công ty này phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nội địa, với 80% doanh thu. Việc kinh tế Trung Quốc chậm lại và hứa hẹn tiếp tục trì trệ sẽ là thách thức cho Alibaba.

Năm 2015, Jack Ma một lần nữa chứng tỏ tài xoay xở bậc thầy của mình kể cả trong lúc thị trường đang trong cơn đau yếu. Số tiền kỷ lục 14,3 tỷ USD bán ra trong ngày giảm giá Single Day của Alibaba đã khiến giới kinh doanh choáng váng. Tuy nhiên, về lâu dài và một năm 2016 trước mắt, Alibaba chắc chắn sẽ còn phải đối mặt nhiều thách thức hơn nữa, nhất là khi việc giảm giá kinh khủng của Alibaba đi liền với những cáo buộc hàng giả...

Có thể bạn quan tâm

Vừa qua, trong khuôn khổ Lễ công bố và trao giải thưởng Sao Khuê 2024, Giải pháp thanh toán đa phương thức dành cho Doanh nghiệp của Sacombank đã xuất sắc vượt qua 271 đề cử, với nhiều vòng thẩm định khắt khe để đạt xếp hạng 5 sao trong lĩnh vực Ngân hàng số. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Sacombank vinh dự nhận giải thưởng danh giá này vì những sáng kiến, sản phẩm mang tính đột phá công nghệ, đem lại trải nghiệm tối ưu cho người dùng.