Việt Nam cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Việt Nam cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Tạp chí Nhịp sống số - Với những sự đơn giản, thuận lợi và những tính năng thanh toán thông minh, việc sử dụng thẻ trong thanh toán điện tử đang mang đến nhiều lợi ích cho hoạt động tiêu dùng trong xã hội. Tuy nhiên ở Việt Nam, hiện vẫn có trên 90% là giao dịch bằng tiền mặt, bất chấp những nỗ lực nhằm hạn chế sử dụng

Peter Gordon, MasterCard

Ông Peter Gordon chia sẻ về quy trình chi tiết của một giao dịch thẻ

Đây là chủ đề được đại diện MasterCard đưa ra tại hội thảo về thanh toán điện tử diễn ra sáng nay (16/9) tại Hà Nội.

Theo đánh giá của chuyên gia MasterCard, trong khi tỷ lệ gian lận bình quân trên thế giới là 0,06 USD trên mỗi 100 USD thanh toán trực tuyến, thì tại Việt Nam con số này chỉ ở mức 0,02 USD. Như vậy, có thể thấy, thanh toán điện tử tại Việt Nam an toàn hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo Tập đoàn siêu thị Co-operative (Anh) dự đoán: Các khoản thanh toán không tiếp xúc (TTKTX) thông qua ứng dụng như Apple Pay sẽ vượt xa tiền mặt trong thập kỷ tới. Cooperative dự đoán đến năm 2025, 65% tổng lượng giao dịch sẽ được thực hiện qua ĐTDĐ, thẻ ngân hàng... và tiền mặt sẽ “thất sủng”, tương tự như séc hiện nay.

Diễn giả chính tại hội thảo là ông Peter Gordon  - nguyên Trưởng nhóm giải pháp thanh toán thương mại, Khu vực Châu Á-TBD của Mastercard (từ tháng 5/2000 đến tháng 12/2008) và nay làm việc tại Công ty cung cấp dịch vụ tư vấn Peter Gordon (từ tháng 1/2009 đến hiện tại). Theo ông, với những đặc tính như đơn giản, thông minh, việc sử dụng thẻ trong thanh toán điện tử đang đem lại nhiều lợi ích đối với hoạt động kinh doanh cũng như đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dùng.

Ông Peter Gordon đã chia sẻ nhiều thông tin quý giá về những lĩnh vực ít được nhắc đến của thanh toán thẻ, bao gồm quy trình chi tiết của một giao dịch thẻ, mô hình doanh thu và chi phí của bốn bên tham gia quy trình (cửa hàng, ngân hàng phát hành, ngân hàng xử lý, chủ thẻ). Cùng đó, là các vấn đề liên quan đến an toàn và an ninh thẻ, những xu hướng và phát triển mới về thanh toán điện tử và những lợi ích khi sử dụng thẻ đối với người tiêu dùng và cửa hàng.

Nhắc đến thị trường Việt Nam, đại diện MasterCard cho biết: hiện vẫn có trên 90% là giao dịch bằng tiền mặt và hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra định hướng đẩy mạnh phát triển giao dịch, thanh toán điện tử. Khi nói đến thanh toán điện tử, hiện nhiều người còn e ngại do vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh, hoặc đơn giản là hiểu sai, sử dụng không đúng… mà một trong những nguyên nhân là một vài vụ việc được giới truyền thông đề cập tới trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, Việt Nam vẫn là quốc gia an toàn hơn so với nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, trong khi tỷ lệ gian lận bình quân trên thế giới là 0,06 USD/100 USD thì tại Việt Nam chỉ ở mức 0,02 USD/100 USD.

Liên quan đến việc sử dụng thẻ, hiện một số ngân hàng tại Việt Nam cũng đã xúc tiến chuyển đổi cho khách hàng sang sử dụng thẻ Chip thay vì thẻ từ có tính bảo mật thấp hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc đổi thẻ từ còn nhiều khó khăn do liên quan đến bài toán kinh tế, nhu cầu thị trường, chuyển đổi công nghệ...

Theo ông Peter Gordon, với thực tế phát triển của công nghệ hiện nay, người dùng có thể yên tâm sử dụng trong các giao dịch. Dẫn chứng được đưa ra, tại Australia, hiện có tới 70% giao dịch là sử dụng thẻ trong thanh toán hàng ngày, hoạt động xác thực và tiến hành thanh toán diễn ra gần như ngay lập tức sau khi sử dụng dịch vụ, mua sản phẩm.

“Đối với MasterCard, vấn đề an toàn an ninh cho chủ thẻ luôn được đặt lên cao nhất. Chúng tôi có các nhóm hỗ trợ ngân hàng theo dõi, phát hiện những hành vi gian lận trong sử dụng thẻ đối với từng giao dịch”, ông Peter Gordon nói.

Ví dụ, với công nghệ 3D Secure (hiện được MasterCard kết hợp với một số ngân hàng tại Việt Nam triển khai), khách hàng có thể thực hiện giao dịch thanh toán an toàn, bảo mật khi dịch vụ xác thực 3D Secure đòi hỏi chủ thẻ phải nhập mã OTP (One Time Password) được gửi qua tin nhắn đến điện thoại trước khi hoàn tất giao dịch.

Bên cạnh đó, thẻ của MasterCard được ứng dụng các công nghệ xác thực, bảo mật cao như cắt xen PAN - Card security protocols, công nghệ 3D secure, Virtual Account Number giúp ngăn chặn việc mất và đánh cắp dữ liệu trong thẻ.

Trong một động thái khác, được biết, Fibank là ngân hàng đầu tiên tại Châu Âu ra mắt sản phẩm thẻ thanh toán di động MasterCard trên nền tảng đám mây, mang đến sự đổi mới trong trải nghiệm người dùng ngân hàng di động (m-banking). Với dịch vụ thanh toán di động (m-payment) dựa trên công nghệ HCE của MasterCard, người dùng m-banking có thể sử dụng dịch vụ từ hàng triệu nhà cung cấp trên toàn cầu ở tất cả điểm thanh toán POS chấp nhận thẻ EMV không tiếp xúc.

Có thể bạn quan tâm

Xuất sắc vượt qua hơn 300 đề cử, Phần mềm ngân hàng lõi kỹ thuật số FINC (Digital Core Banking FINC) của TechPlus đã được hội đồng chuyên môn đánh giá cao và trở thành 01 trong số 14 đơn vị xuất sắc vinh dự được vinh danh tại lĩnh vực “Ngân hàng số” của Sao Khuê 2024.