Tang lễ livestream, người Mỹ buộc phải khóc thương online vì dịch bệnh

Tang lễ livestream, người Mỹ buộc phải khóc thương online vì dịch bệnh
Tạp chí Nhịp sống số - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ kêu gọi chuyển dịch vụ mai táng sang trực tuyến trong thời dịch khiến người dân cảm thấy khó khăn khi phải thích nghi.

Isabel Cabrera Galindo, 82 tuổi, mới qua đời do nguyên nhân tự nhiên. Giữa bối cảnh dịch bệnh đang trở nên căng thẳng ở Mỹ, bạn bè và gia đình bà được thông báo rằng họ không thể tham dự đám tang.

Thay vào đó, họ sẽ theo dõi lễ chôn cất qua một buổi livestream. Hầu hết người tham gia cảm thấy bất tiện khi sử dụng công nghệ trong việc này.

Chỉ vài ngày sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ kêu gọi các trung tâm tổ chức tang lễ chuyển dịch vụ sang trực tuyến, các gia đình như nhà Galindos phải vật lộn để thích nghi với một “điều bình thường” mới mà họ chưa từng tưởng tượng được.

"Thật buồn khi bà tôi, một người phụ nữ nổi tiếng yêu thích các cuộc họp mặt đông người, tiệc tùng, tán gẫu, sẽ trải qua buổi lễ đưa tiễn cuối cùng trong đời chỉ với 10 người thân. Tôi thấy bất lực khi ngay cả với công nghệ Internet hiện đại, chúng ta khó có thể nghe điếu văn một cách trọn vẹn. Chúng tôi sẽ không thể chia sẻ khoảnh khắc cuối cùng đó như một gia đình”, Garrett - cháu trai 27 tuổi của bà Galindo - chia sẻ.

Trước khi tiến hành tang lễ, Nhà thờ Công giáo La Mã Thánh Helens ở Phoenix, bang Arizona, đã thông báo cho gia đình rằng số người thân tham dự nên được giữ ở mức tối thiểu do sự bùng phát chưa thể kiểm soát của dịch Covid-19 ở Mỹ.

Ba gia đình con trai của bà Isabel Galindo, cùng với 3 trong số 11 đứa cháu của bà, là những người đại diện. Bố của Garrett đã dựng chiếc iPhone trên giá đỡ 3 chân để phát trực tiếp tang lễ từ tài khoản Facebook cá nhân của mình.

“Chỉ có khoảng 20 người xem livestream đó. Bà tôi có nhiều bạn bè hơn thế, nhưng đại đa số họ là người cao tuổi, không thông thạo Internet. Nếu không, chắc phải có khoảng 100 người xem”, Garrett nói.

Sự bùng phát của đại dịch đã buộc mọi người phải hủy bỏ những dịp quan trọng nhất của đời người, từ đám cưới đến đám tang, lễ tốt nghiệp hay sinh nở.

Điều đó cũng buộc người Mỹ chuyển sang lựa chọn phát trực tiếp hoặc trò chuyện qua video cho các sự kiện thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như học tập, các cuộc họp văn phòng, các dịch vụ tôn giáo và các chuyến kiến tập, công tác.

Tang lễ là ví dụ mới nhất và có lẽ, gây đau lòng nhất của việc này.

Trong tuần vừa qua, trung bình mỗi ngày nước Mỹ ghi nhận hơn 7.000 ca tử vong do dịch bệnh Covid-19. Nhiều người không muốn vì thế mà trì hoãn những sự kiện quan trọng, họ buộc phải thích nghi.

Nhằm thúc đẩy sự cách ly xã hội, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ đã khuyên Hiệp hội Tổ chức tang lễ Quốc gia nên khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ livestream tang lễ để giúp ngăn chặn sự lây lan của virus.

Tính đến ngày 22/3, đã có ít nhất 32.149 trường hợp đồng ý tiến hành tang lễ theo cách này.

"Nếu việc phát trực tiếp và hạn chế tập trung đông người của các đại gia đình là khả thi, chúng tôi khuyến khích điều đó. Ngoài ra, việc thúc đẩy cách ly xã hội ở các sự kiện lớn - nhỏ, cùng với nâng cao ý thức giữ vệ sinh của người dân cũng rất quan trọng", David Berendes, một nhà dịch tễ học, cho biết.

Một số quốc gia ngoài Mỹ, bao gồm Vương quốc Anh, đã nắm bắt xu hướng này. Ở Trung Quốc và Ý, việc tổ chức đám tang tạm thời bị cấm cho đến khi có thông báo mới. Gia quyến của người đã khuất được khuyên nên hỏa táng thi thể người thân nếu họ qua đời vì Covid-19.

Mục sư Bryan Sabourin của Giáo xứ Holy Trinity ở Nova Scotia, Canada, cho biết: "Chúng tôi đã livestream cho một vài đám tang trước khi dịch Covid-19 bùng phát vì khi đó, có một số người không thể di chuyển do diễn biến dịch bệnh ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng tôi cũng đã tính đến việc mở rộng dịch vụ nếu có đủ nhân lực thành thạo sử dụng Internet”.

"Tôi chưa nhận được một bình luận tiêu cực nào về việc sử dụng livestream cho đám tang", Sabourin, người đang tự cách ly sau khi vừa từ nước ngoài trở về Canada, nói thêm.

"Tôi sẽ không chủ trì hay tham dự lễ, điều đó thật đau lòng khi tôi biết rõ về gia đình ấy. Nhưng phụ tá của tôi sẽ chủ trì và truyền lại những cảm thông sâu sắc nhất của tôi đến gia quyến. Tôi sẽ xem buổi livestream”, mục sư nói.

Cách đây không lâu, các sự kiện tôn giáo được livestream trên mạng hầu hết bị chỉ trích là bản sao hỏng của trải nghiệm thực tế. Giờ đây, nhiều người thừa nhận bắt đầu cảm thấy như vậy với việc phát trực tiếp đám tang lên mạng.

Có thể bạn quan tâm

Theo Bộ TT- TT, quảng cáo trên môi trường mạng ngày càng khẳng định vị thế quan trọng với hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp. Do đó cần mở rộng hơn nữa danh sách trắng để doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến.