Cần ứng dụng phần mềm liên thông, quản lý tập trung tại các khu cách ly

Cần ứng dụng phần mềm liên thông, quản lý tập trung tại các khu cách ly
Tạp chí Nhịp sống số - Hiện, rất ít phần mềm quản lý nơi tập trung cách ly. Đồng thời, việc sử dụng rời rạc, chủ yếu vẫn là nhập liệu, báo cáo thủ tục hành chính một cách thủ công, gây mất nhiều thời gian cho lực lượng chống dịch…

Tình hình dịch bệnh diễn biến còn rất phức tạp, các ca bệnh liên tục tăng. Công việc của lực lượng chống dịch, đặc biệt là từ khâu xét nghiệm, truy vết cho tới cách ly tập trung, dã chiến... gian truân vô cùng. Không chỉ nặng về công việc chân tay, chăm lo sức khỏe, nơi ăn, chốn ở, tiếp tế lương thực, xếp phòng, chuyển phòng, chuyển viện... lực lượng chống dịch đang gánh nặng trên vai mà chưa kể thủ tục hành chính.

Nhập liệu thủ công

Bác sỹ Lê Quang Mỹ, người vừa hoàn thành nhiệm vụ 21 ngày tại khu cách ly tập trung khu B – Kí túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, kể lại công việc của 20 nhân viên y tế chăm sóc hơn 800 F1. "Chúng tôi xếp họ theo nhóm, vào 300 phòng, ở 17 tầng lầu, mà không hề có một phần mềm quản lý nào cả. Tự làm số hotline, lập bảng tính Excel, tự cập nhật sự xáo trộn của danh sách khi có sự biến động. Ngoài ra, việc báo cơm (sai 1 số là thiếu phần ăn), báo cáo dữ liệu cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), Sở Y tế (số liệu mà mọi người vẫn đọc trên báo mỗi ngày)".

Lực lượng chống dịch phải làm công việc dò 1-2 ca F0 trong số 6.000 ca ở khu cách ly và trong tay không hề có một công cụ nào hỗ trợ nào. "Có thể tưởng tượng 10 năm trước, khi bệnh viện chưa có phần mềm quản lý, làm sao tìm 1 ca bệnh nào đó trong số 1.000-2.000 bệnh nhân nội trú?”, bác sỹ Mỹ chia sẻ.

Ngoài ra, công nghệ tiện lợi nhất phải kể đến chính là ứng dụng trao đổi qua Zalo, bao gồm gọi cho ban giám đốc, nhóm làm việc, nhóm đặt cơm, nhóm hỗ trợ… Hiện tại, nhóm của bác sỹ Mỹ phải nhập 3 phần mềm theo dõi (Medinet) chỉ giúp cho cấp trên quản lý, thêm phần báo cáo HCDC (MS Excel), và 1 phần mềm của CDC. Chưa kể mỗi lần xét nghiệm, phải nhập lên hệ thống CDS (thủ công, lần nào làm cũng phải nhập). Do đó, chỉ cần 1 phần mềm tích hợp 2 chức năng: quản lý, trích xuất dữ liệu báo cáo là đã giảm được rất nhiều sức lực của lực lượng phòng chống dịch.

Được biết, mỗi F1 hay F0 đều phải có nhiều loại giấy tờ, mà bắt buộc phải làm như: Giấy quyết định cách ly, tờ khai y tế, hồ sơ theo dõi sức khoẻ, giấy chuyển viện, giấy chuyển khách sạn, biên bản bàn giao, giấy hoàn thành cách ly, giấy ghi kết quả xét nghiệm…

Một bác sỹ khác chia sẻ: Quản lý hồ sơ các ca bệnh có người ra và người vô mới tại khu cách ly nên con số cộng dồn lên rất lớn, hơn 1.000 ca. “Chăm sóc y tế đã không đủ thời gian, ghi thêm hồ sơ, chưa kể hồ sơ giấy này cần phải có máy in, máy vi tính, nguy cơ phơi nhiễm vì người cách ly phải ký, rồi phải lưu lại hồ sơ này (trong khi đã nhập lên phần mềm)... Tôi cũng không hiểu sau này, có ai ngồi kiểm lại các hồ sơ này hay không? Những khâu này là không cần thiết trong mùa dịch, vốn đòi hỏi mọi thứ phải nhanh, gọn, khoa học”, vị bác sỹ trẻ này cho hay.

Theo bác sỹ Mỹ, làm sao chỉ cần nhập liệu 1 lần, thậm chí 60-70% phần nhập liệu lần đầu đó, để người dân tự khai qua ứng dụng, qua web; Sử dụng phần mềm khai báo tập trung để các cấp có thể truy vết, theo dõi và trích lục nhanh nếu cần. Như hiện nay, số ca nặng không quá nhiều thì hệ thống còn chịu nổi và nhanh chóng đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào để hỗ trợ, giảm bớt công việc hành chính cho lực lượng y tế đang chống dịch.

Cần phần mềm hỗ trợ nhập và quản lý các ca nhiễm

Sáng 8/7, Sở Y tế Hải Phòng tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý xét nghiệm SASR-CoV-2 (CDC Link) cho các đơn vị thực hiện công tác xét nghiệm tại tuyến thành phố, quận, huyện.

Phần mềm CDC Link do Công ty Cổ phần Công nghệ thông tin Việt Ba nghiên cứu và phát triển. CDC Link hỗ trợ nhân viên y tế vào số liệu nhanh tại hiện trường (khoảng 3 giây/ mẫu) không phải nhập liệu khi mang mẫu về phòng xét nghiệm; phân lô, ghép lô xét nghiệm thuận tiện theo yêu cầu; tìm kiếm và lọc dữ liệu nhanh theo yêu cầu các nhà quản lý; trả, in kết quả theo lô, quản lí đơn vị gửi mẫu, loại bệnh và trả cho từng trường hợp qua điện thoại; kết nối với máy xét nghiệm để trả kết quả tự động 1 chiều hay 2 chiều và nhiều tiện ích khác.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Đại diện Công ty Việt Ba, phần mềm CDC Link đã phát huy hiệu quả khi triển khai tại một số tỉnh thành có dịch bùng phát như: Bắc Giang, Hà Tĩnh… Tại thành phố Hải Phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố triển khai hệ thống nhằm chia sẻ dữ liệu với các đơn vị xét nghiệm có tham gia lấy mẫu và xét nghiệm tại cộng đồng, giúp sàng lọc nhanh, phát hiện sớm ca bệnh, ngăn chặn lây lan và dập dịch kịp thời.

Ngoài CDC Link, Trung tâm nghiên cứu Bionet Việt Nam vừa công bố phần mềm BioCovid cho phép hỗ trợ tích cực quy trình từ khai báo, thu mẫu, xét nghiệm, trả kết quả và quản lý bệnh nhân Covid–19 và phục vụ nhân dân hoàn toàn miễn phí.

TS. Luyện Quốc Hải, Trưởng nhóm nghiên cứu phần mềm BioCovid, cho biết: ở quy mô nhỏ thì mô hình thủ công còn có thể xử lý được nhưng khi có tình huống đột biến, dịch bùng phát ở quy mô lớn và rộng khắp thì phức tạp hơn rất nhiều. Khi đó, rất cần một hệ thống giải pháp và phần mềm quản lý chuyên dụng từ khai báo - lấy mẫu - xét nghiệm - quản lý sau xét nghiệm. Nếu đại dịch xảy ra thì một sai sót nhỏ có thể dẫn đến hậu quả lớn.

Trước đó, CDC Hải Dương đã triển khai thí điểm BioCovid tại điểm lấy mẫu ở thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, Hải Dương. Kết quả bước đầu cho thấy, hệ thống có thể giúp tăng hiệu quả lên ít nhất 150%. Hệ thống BioCovid được xây dựng gồm hai modul lớn: hệ thống khai báo thông tin và kiểm soát việc lấy mẫu; Quản lý quy trình nhận mẫu - xét nghiệm - kết quả xét nghiệm.

Phần mềm yêu cầu cần khai báo y tế trước khi lấy mẫu xét nghiệm: tự khai báo, khai báo giúp người khác hoặc được nhân viên y tế/cộng tác viên hỗ trợ khai báo thông qua website xetnghiemcovid.com; Lưu thông tin trên hệ thống phần mềm, không cần thực hiện các khai báo lại ở lần lấy mẫu tiếp theo; Cho phép tích hợp khai báo y tế từ các ứng dụng khai báo khác.

Ở khâu lấy mẫu xét nghiệm, kiểm soát chặt chẽ người được lấy mẫu thông qua mã số khai báo/hệ thống nhận diện BioFace; linh hoạt với trường hợp thu mẫu đơn hoặc mẫu gộp; Llưu danh sách người lấy mẫu và lịch sử lấy mẫu của từng người để dễ dàng truy xuất khi cần.

Có thể bạn quan tâm

GapoWork và NEWING vừa ký kết hợp tác chiến lược, nhằm kết hợp những thế mạnh về công nghệ và kiến thức quản lý hiện đại, mang đến bộ công cụ giúp nâng cao hiệu suất, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.