Thúc đẩy Giáo dục CNTT và Khoa học máy tính cho thanh thiếu niên

Thúc đẩy Giáo dục CNTT và Khoa học máy tính cho thanh thiếu niên
Tạp chí Nhịp sống số - Đối với nhiều thanh thiếu niên Việt Nam sống ở vùng nông thôn, hành trình đến trường không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một trong những thách thức lớn đối với chính phủ Việt Nam là đảm bảo rằng thanh thiếu niên thuộc 53 dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng CNTT.

Bùi Thị Thư, dân tộc Mường, là một trong số hơn 150.000 học sinh đã vượt hành trình đi học gian nan để tham gia dự án “Tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển” trong hai năm qua

Bùi Thị Thư, dân tộc Mường, là một trong số hơn 150.000 học sinh đã vượt hành trình đi học gian nan để tham gia dự án “Tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển” trong hai năm qua

Bùi Thị Thư là một trong số hơn 150.000 học sinh đã vượt hành trình đi học gian nan để tham gia dự án “Tăng cường kỹ năng Công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển” trong hai năm vừa qua. Thư là người dân tộc Mường, sống ở miền núi tỉnh Hòa Bình. Nơi em sống không có truyền hình hay Internet tại nhà, em cũng không sở hữu một chiếc điện thoại thông minh. Tuy vậy, hàng ngày em đều rời nhà lúc 6 giờ sáng để đến trường và tham gia lớp học, nơi em có thể truy cập máy tính và được đào tạo về kỹ năng CNTT.

Được khởi động từ năm 2016, dự án “Tăng cường kỹ năng Công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển” do Cục Công nghệ thông tin – Bộ Giáo dục và Đào tạo, Microsoft Việt Nam và Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông Vietnet (Vietnet – ICT) phối hợp triển khai, với mục tiêu phát triển các kỹ năng khoa học máy tính cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Để có thể tiếp cận các em học sinh vùng khó khăn, chương trình đã trao quyền cho các cán bộ giáo viên như giáo viên của Thư, thông qua khóa tập huấn bồi dưỡng nâng cao về kiến thức và phương pháp giảng dạy CNTT và khoa học máy tính bao gồm các chủ đề về Ứng dụng CNTT, Dựng phim, Đồ họa 2D-3D, Lập trình 2D-3D và An toàn sử dụng Internet.

Sau hai năm học 2016 – 2017 và 2017 - 2018, dự án đã mang tới cơ hội tiếp cận chương trình CNTT- khoa học máy tính cập nhật và phương thức học tập mới mẻ, hấp dẫn tới khoảng 800 giáo viên, 150.000 học sinh từ 421 trường học thuộc 12 tỉnh/thanh phố bao gồm: Hòa Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang và TP.Hồ Chí Minh. Các nội dung, phương pháp dạy học của dự án và kinh nghiệm triển khai tại các địa phương đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục Tin học. Ngày 24/8/2018, đại diện Bộ Giáo dục Đào tạo cùng các Sở Giáo dục và Đào tạo của 12 tỉnh thành tham gia dự án cùng, các chuyên gia giáo dục và chuyên gia đánh giá dự án đã cùng thảo luận và chia sẻ kết quả, kinh nghiệm triển khai tại tọa đàm “Chia sẻ kết quả của dự án YDI cho dạy và học môn tin học trong các trường trung học cơ sở”. Những ý kiến thu được tại chương trình đóng góp tiền đề cho quá trình đổi mới dạy và học môn Tin học, không chỉ giúp phát triển năng lực giảng dạy của giáo viên mà còn đảm bảo chất lượng đào tạo, khơi dậy cho các em học sinh niềm đam mê và theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT và khoa học máy tính.

 Ông Tô Hồng Nam- Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ về dự án YDI

 Ông Tô Hồng Nam- Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ về dự án YDI

Tại chương trình tọa đàm, ông Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin – Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu: “Cục CNTT đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị phối hợp, đội ngũ chuyên gia, các Sở GDĐT, Phòng GDĐT và các trường học trực tiếp tham gia dự án. Chương trình, phương pháp dạy ngoại khóa môn tin học THCS mà dự án YDI triển khai  không những truyền cảm hứng, đam mê học tập cho học sinh mà còn kết hợp đắc lực với chương trình chính khóa để tạo ra sức mạnh cộng hưởng giúp cho học sinh thích học hơn, học tốt hơn, sáng tạo hơn trong môn tin học ở các trường THCS”.

Theo bà Lê Hồng Nhi, Phụ trách các chương trình phát triển cộng đồng của Microsoft tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, thì mọi trẻ em, không phân biệt vùng miền, thông qua giáo dục đều xứng đáng có cơ hội tiếp cận với những kiến thức cập nhật về CNTT và khoa học máy tính để sẵn sàng cho những nghề nghiệp tốt nhất trong thế kỷ 21 và thông qua đồng phát triển chương trình đào tạo, Microsoft mong muốn chung tay phát triển dài hạn giáo dục Tin học tại Việt Nam.

 “Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục cải thiện nội dung, phát triển nền tảng học trực tuyến (digitalskill.vn), số hóa các tài liệu đào tạo và nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều các bài học kinh nghiệm để đối chiếu và là nguồn tham khảo cho các chương trình, dự án về dạy và học Tin học trong nhà trường”, Bà Ngô Minh Trang – Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) nhấn mạnh trong phát biểu tại sự kiện.

Dự án “Tăng cường kỹ năng Công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển” là một phần của hành trình ba năm kiến tạo tương lai do Microsoft thực hiện (cùng tìm hiểu ấn phẩm điện tử “Vì một Việt Nam tươi sáng hơn”).

Có thể bạn quan tâm