Châu Âu thống lĩnh bảng xếp hạng thương mại điện tử toàn cầu

Châu Âu thống lĩnh bảng xếp hạng thương mại điện tử toàn cầu
Tạp chí Nhịp sống số - Các quốc gia châu Âu nắm giữ 8 trong số 10 vị trí hàng đầu về Chỉ số giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) năm 2019.

Theo xếp hạng các quốc gia về mức độ sẵn sàng tham gia thương mại trực tuyến của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), các quốc gia châu Âu nắm giữ 8 trong số 10 vị trí hàng đầu về Chỉ số giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) năm 2019.

Cho đến nay, châu Âu vẫn là khu vực chuẩn bị tốt nhất cho thương mại điện tử. Đây là năm thứ hai liên tiếp, Hà Lan dẫn đầu Chỉ số B2C của UNCTAD, tiếp theo là Thụy Sỹ. Các quốc gia ngoài châu Âu duy nhất trong danh sách tốp 10 là Singapore (thứ ba) và Australia (thứ 10).

Chỉ số B2C của UNCTAD đánh giá 152 quốc gia về mức độ sẵn sàng mua sắm trực tuyến. Các quốc gia được chấm điểm khi truy cập vào các máy chủ Internet an toàn, độ tin cậy của dịch vụ bưu chính, cơ sở hạ tầng và tỷ lệ dân số sử dụng Internet, có tài khoản với tổ chức tài chính hoặc nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động.

10 quốc gia đang phát triển có điểm số cao nhất đều từ châu Á và được xếp là các nền kinh tế có thu nhập cao hoặc thu nhập trung bình cao. Trong khi đó, các nước kém phát triển nhất chiếm 18 trong số 20 vị trí cuối bảng xếp hạng.

Bà Shamika N. Sirimanne, Giám đốc bộ phận công nghệ và logistics của UNCTAD, cho biết Chỉ số B2C cho thấy mức độ thực và đáng lo ngại về khoảng cách kỹ thuật số giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Chẳng hạn như ở nhiều quốc gia châu Âu, hơn 80% người dùng Internet thực hiện mua bán trực tuyến.

Nhưng tỷ lệ đó là dưới 10% ở hầu hết các nước thu nhập trung bình thấp và thấp.

Theo bà Sirimanne, nhu cầu cấp thiết là giúp các quốc gia ít chuẩn bị hơn cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo dựng niềm tin trong dân chúng.

Nếu không, các doanh nghiệp và người dân của họ sẽ bỏ lỡ các cơ hội do nền kinh tế kỹ thuật số mang lại và họ sẽ ít chuẩn bị hơn để đối phó với các thách thức khác nhau.

Chỉ số B2C của UNCTAD cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện độ tin cậy và tính sẵn có của số liệu thống kê, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Các quốc gia ít chuẩn bị nhất cho nền kinh tế kỹ thuật số cũng có ít thông tin thống kê nhất để giúp các nhà hoạch định chính sách của họ đưa ra quyết định sáng suốt.

Chỉ số năm nay đã được công bố tại buổi khai mạc cuộc họp đầu tiên của nhóm làm việc UNCTAD về đo lường thương mại điện tử và nền kinh tế kỹ thuật số ngày 3/12 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Có thể bạn quan tâm