Chủ quyền không gian mạng Việt Nam do chúng ta quyết định

Chủ quyền không gian mạng Việt Nam do chúng ta quyết định
Tạp chí Nhịp sống số - Vì sao nếu ở Việt Nam có việc vi phạm bản quyền thì Google, YouTube, Facebook,… xử lý rất nhanh; trong khi có những kênh, nội dung sai phạm dù đã được thông báo thì xử lý rất chậm, thậm chí là không xử lý?... Giữa năm 2019, lần đầu tiên, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức buổi làm việc

Ngăn chặn nội dung xấu như “bắt cóc bỏ đĩa”

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT thuộc Bộ TT&TT), trong 2 năm vừa qua, Google đã hợp tác tích cực với Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Bộ. Tuy nhiên, tình trạng các clip xấu độc được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể, qua rà soát của Bộ TT&TT, đến thời điểm đó trên YouTube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật Việt Nam. Đến ngày 25/6/2019, Cục PTTH&TTĐT ghi nhận có khoảng 100 nhãn hàng trong nước vi phạm quảng cáo trong các clip thông tin xấu độc. Mặc dù Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Cục PTTH&TTĐT, nhưng vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”. Đó là do cơ chế quản lý nội dung mà cụ thể là bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm. Cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm, dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian. Hiện không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, YouTube vẫn cho phép bật tính năng gợi ý cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên YouTube (0,1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ. Đặc biệt, dòng tiền quảng cáo này lại được Google chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động. Điều này vô hình chung đã gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam.

Theo đánh giá của Cục PTTH&TTĐT, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo, là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp. Việc tái diễn tình trạng này cho thấy các biện pháp khắc phục của Google không giải quyết được triệt để những vi phạm, gây rủi ro các thương hiệu khi quảng cáo trên YouTube.

Cục PTTH&TTĐT cũng cho rằng, việc cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp với YouTube, Google không thông qua đại lý quảng cáo trong nước đã vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam đã không chủ động kiểm soát việc đăng phát quảng cáo của các đối tác (nhãn hàng, thương hiệu) trên nền tảng YouTube. Điều này khiến tình trạng quảng cáo bị gắn vào các clip xấu độc tái diễn. Các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam cũng không báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thực hiện dịch vụ quảng cáo liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, vi phạm quy định của Nghị định 18. Trước tình trạng này, quan điểm của Bộ TT&TT là kiên quyết yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới khi hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.

Tuân thủ luật pháp, chung tay giải quyết vấn đề

Tại buổi làm việc, các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo cũng như các đối tác quản lý mạng lưới đa kênh (MCN) của YouTube ở Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, nền tảng dịch vụ số đều cam kết hoạt động tuân thủ pháp luật Việt Nam. Các đơn vị, tổ chức này cũng cho biết đã và đang làm việc với Google cũng như YouTube để tiến hành rà soát, báo cáo, bóc tách những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, nhằm hạn chế rủi ro khi thực hiện các dịch vụ của mình cho khách hàng.

Tuy nhiên, hầu hết đều cho rằng, do hầu hết “các vấn đề” đều nằm trong tay và do Google quyết định, nên quá trình này diễn ra rất khó khăn, mất thời gian. Có ý kiến cho rằng: vì sao nếu ở Việt Nam vi phạm bản quyền thì Google, YouTube, Facebook,… xử lý rất nhanh; trong khi có những kênh, nội dung sai phạm dù đã được thông báo thì xử lý rất chậm, thậm chí là không xử lý. Phải chăng Việt Nam có tiếng nói “ít trọng lượng” với những dịch vụ xuyên biên giới; và các cơ quan chức năng Việt Nam cũng có phần trách nhiệm trong vấn đề này? Cùng với đó, việc Google và Facebook cần phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam để thuận tiện hơn trong việc xử lý những vấn đề liên quan, cũng được nhiều ý kiến nêu ra, tán thành. Đại diện một số đơn vị cũng cho rằng, Việt Nam cần chú trọng phát triển công nghệ mới, hình thành các công cụ, biện pháp để giám sát cũng như đảm bảo sự an toàn, trong sạch cho không gian mạng không chỉ trước mắt mà còn lâu dài…

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, doanh nghiệp muốn đến làm ăn thịnh vượng lâu dài cần phải song hành với thịnh vượng của xã hội và đất nước sở tại. Không thể có doanh nghiệp thịnh vượng nhưng đất nước thì lụn bại đi. Các doanh nghiệp dù trong hay ngoài nước đều phải tuân thủ luật pháp, thượng tôn pháp luật của nước sở tại. Đến đâu kinh doanh cũng đều có trách nhiệm phải làm cho đất nước đó thịnh vượng và hoà bình. “Tôi kêu gọi sự thượng tôn pháp luật của tất cả các bên liên quan, trên môi trường mạng. Việt Nam đang có một khát vọng lớn lao, trở thành nước thịnh vượng vào năm 2045. Mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải mang trong mình khát vọng này. Chúng tôi kêu gọi sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới. Các bạn đến đây làm ăn, thu tiền, trở lên giầu có, thì các bạn cũng phải góp sức, góp phần cho đất nước này thịnh vượng hơn, ổn định và phát triển hơn. Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào làm ăn nhưng không tuân thủ pháp luật!” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chỉ có sự chung tay, đoàn kết mới có thể giải quyết bài toán, vấn đề mới trên không gian mạng. Sự khởi đầu hợp sức, đồng thuận thì làm gì cũng được; có luật pháp, chính quyền, lực lượng công nghệ trong tay thì không thể không làm được. Cần phải làm sạch, đảm bảo an toàn cho không gian mạng Việt Nam. Các doanh nghiệp nền tảng, dịch vụ mạng, dịch vụ quảng cáo Việt Nam phải tuyệt đối tuân thủ luật pháp; không thể vì lợi nhuận mà lơ là, bỏ qua hay tiếp tay cho những những hành vi, hoạt động sai trái của các dịch vụ nước ngoài. Các bộ, ngành liên quan phải cùng nhau hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trên không gian mạng, bao vệ chủ quyền Việt Nam trên không gian mạng như: sử dụng mạng xã hội có danh tính, quản lý và thu thuế, liên kết thanh toán,… Cùng với đó, các công ty công nghệ Việt Nam cũng phải sáng tạo, nghiên cứu để tạo ra ra các công cụ giám sát, đảm bảo an toàn và trong sạch cho không gian mạng đất nước. Số phận của đất nước chúng ta không phải trông mong vào “sự tốt bụng” của ai đó, của doanh nghiệp nào đó, mà do chúng ta quyết định!

Có thể bạn quan tâm

Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân dự kiến sẽ được trình trong quý 2/2024. Trong đó, Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bình Dương là các địa phương được chọn để tổ chức triển khai thí điểm.