Thị trường viễn thông: Hoang mang "trận đồ" số liệu

Thị trường viễn thông: Hoang mang
Tạp chí Nhịp sống số - Thực tế cho thấy, đang có những sai số và sự “vênh” trong cách tính, cách thống kê giữa cơ quan quản lý và các nhà mạng di động. Cụ thể, chưa tính doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách…, mà chỉ riêng con số thuê bao di động ở Việt Nam đã có những sai số đáng kể.

Điều này tác động không nhỏ đến thị trường di động Việt Nam, khi người dân, nhà đầu tư, các đơn vị phân tích thị trường “hoang mang” vì không biết căn cứ vào số liệu nào…

Khi số liệu “đá nhau chan chát”

Theo Báo cáo tổng kết năm 2015 của Bộ Thông tin – Truyền thông, trong năm 2015, do tăng cường công tác quản lý nên số sim rác giảm, số lượng thuê bao di động đạt khoảng 122 triệu thuê bao, giảm so với năm 2014. Con số thuê bao di động cuối năm 2014 của Bộ TT-TT là 138.630.000.

Thế nhưng, số liệu từ 3 nhà mạng lớn của Việt Nam gồm Viettel, MobiFone và VinaPhone thì lại cho ra một “bức tranh” khác, rằng trong năm 2015, thuê bao di đông đều tăng trưởng so với 2014.

Cụ thể, báo cáo của Tập đoàn VNPT cho biết, đến cuối năm 2015 đạt 33,7 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động VinaPhone là 29,7 triệu thuê bao, tăng 3,3 triệu thuê bao so với cuối năm 2014 (cuối năm 2014, VinaPhone có 26 triệu thuê bao di động). Còn theo báo cáo MobiFone, thuê bao phát triển mới đạt 15 triệu thuê bao, vượt 33,6% kế hoạch đặt ra cho năm 2015 và tăng trưởng 53,56% so với năm 2014 (cuối năm 2014, MobiFone cho biết đạt 40,2 triệu thuê bao). Viettel thì cho biết, thuê bao trong nước năm 2015 tăng thêm 6,8 triệu thuê bao, lũy kế toàn mạng 56,4 triệu thuê bao (cuối 2014, Viettel công bố có 55,5 triệu thuê bao di động trong nước và 1,9 triệu cố định).

Theo số liệu của Bộ TT-TT, mạng di động Vietnamobile là mạng có thuê bao giảm trong năm 2015, chỉ còn 11 triệu so với 15 triệu cuối năm 2014. Trong các mạng di động đang hoạt động, mạng GMobile (thuộc Bộ Công an) là không có số liệu thống kê trong mấy năm vừa qua. Mạng S-Fone coi như "đã chết", nên không thể có số liệu về thuê bao.

Những con số nói trên cho thấy, giữa thống kê, báo cáo của Bộ TT-TT, cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý ngành viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông còn lệch nhau rất nhiều. Chỉ tính riêng 4 mạng di động có số liệu báo cáo cụ thể, thì lượng thuê bao di động ở Việt Nam đã vượt xa rất nhiều so với báo cáo của Bộ TT-TT, khoảng 150 triệu so với 122 triệu. Vậy 28 triệu thuê bao di động còn lại của các nhà mạng đang ở đâu?

Và nếu theo báo cáo của các nhà mạng, thì thuê bao di động ở Việt Nam đang tiếp tục tăng, chứ đâu có giảm như báo cáo của Bộ TT-TT.

“Sai một ly, đi một dặm”

Từ những số liệu “vênh” nhau kể trên, vấn đề đặt ra hiện nay là cách tính, tiêu chí thống kê trong báo cáo của Bộ TT-TT không chính xác, hay số liệu của các nhà mạng là thiếu trung thực?

Nếu số liệu của Bộ TT-TT đúng và được tổng hợp từ các nhà mạng, thì tại sao khi báo cáo tổng kết hay công bố ra ngoài, các nhà mạng lại có con số như vậy? Nếu thực tế các nhà mạng đều tăng số lượng thuê bao di động (trừ Vietnamobile), thì vì sao Bộ TT-TT lại công bố lượng thuê bao giảm. Rõ ràng, có những sai số, khác biệt trong các tính, cách thống kê của Bộ TT-TT và các nhà mạng di động. Chưa tính doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, chỉ riêng con số thuê bao di động ở Việt Nam đã có những sai số đáng kể. Và, những con số không thống nhất, đầy sự chênh lệch đó sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường di động Việt Nam, bởi người dân, nhà đầu tư kinh doanh không biết tin vào ai.

Theo Tổng Cục thống kê - cơ quan cao nhất, chịu trách nhiệm về thống kê tất cả mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội Việt Nam, tổng số thuê bao điện thoại di động năm 2015 ước tính đạt 127 triệu thuê bao, giảm 7,3% so với năm 2014. Như vậy, ngay số liệu của Bộ TT-TT và Tổng Cục thống kê cũng có sự chênh lệch nhau.

Lại thêm câu hỏi, theo số liệu của Bộ TT-TT và Tổng Cục thống kê thì 5 triệu thuê bao di động nữa đang nằm ở đâu? Trong cái “trận đồ” về thống kê và báo cáo này, biết tin vào ai và con số nào đây?

Rõ ràng, trong câu chuyện này, giữa các nhà mạng di động và các cơ quan như Bộ TT-TT và Tổng Cục thống kê đã có sự khập khiễng. Có thể Bộ TT-TT và Tổng Cục thống kê có cách tính khác, chưa đúng với thực tế; nhưng cũng có thể các nhà mạng, chỉ vì theo thành tích mà "báo cáo láo". Và rồi, với sự lệch pha như vậy, trong thực tế, lượng thuê bao di động ở Việt Nam trong năm 2015 vừa qua là tăng hay giảm.

Nếu sai (dù là tăng hay giảm) thì trách nhiệm thuộc về ai? Và phía sau đó là câu chuyện của ngành viễn thông: thuê bao tăng hay giảm? doanh thu tăng trưởng đến đâu?

Có thể bạn quan tâm

Xiaomi chính thức ra mắt chuỗi sự kiện Xiaomi Fan Festival 2024, nhân dịp dòng sản phẩm Redmi Note 13 đạt nhiều thành tích ấn tượng tại thị trường Việt Nam với các hoạt động giảm giá sản phẩm độc quyền.