Microsoft và tương lai bất định của trợ lý ảo Cortana

Microsoft và tương lai bất định của trợ lý ảo Cortana
Tạp chí Nhịp sống số - Microsoft có kế hoạch đóng cửa các ứng dụng di động độc lập của Cortana tại một số thị trường lớn trên thế giới, qua đó càng khiến tương lai của trợ lý ảo này thêm ảm đạm.

Tại hội nghị Ignite diễn ra hồi đầu tháng 11 năm nay, “đại gia” ngành công nghệ Microsoft  đã công bố một tầm nhìn mới cho trợ lý ảo Cortana nhằm giúp nó trở nên hữu ích hơn trong công việc hàng ngày của người dùng, chủ yếu trong việc kiểm soát email.

Tuy nhiên, tầm nhìn này cũng cho thấy Microsoft đã thu hẹp tham vọng của họ dành cho Cortana.

Thay vì tiếp tục “chiến đấu” với các đối thủ như Siri của Apple, Alexa của Amazon hoặc Google Assistant của Goole, Microsoft cho biết họ có kế hoạch đóng cửa các ứng dụng di động độc lập của Cortana tại một số thị trường lớn trên thế giới, qua đó càng khiến tương lai của trợ lý ảo này thêm ảm đạm.

*Sự rút lui lặng lẽ của Microsoft

Microsoft đã “không kèn không trống” thông báo về việc sẽ giảm dần hỗ trợ Cortana trên hệ điều hành iOS và Android ở một số khu vực, với thời hạn kết thúc chính thức vào ngày 31/1/2020. Sau thời điểm này, ứng dụng di động Cortana sẽ không còn được hỗ trợ.

Microsoft cũng cho biết họ sẽ phát hành bản cập nhật của Microsoft Launcher - trình khởi chạy ứng dụng cho nền tảng di động Android do họ tự phát triển mà không có Cortana.

Microsoft cho biết các thị trường bị ảnh hưởng bao gồm Vương quốc Anh, Australia, Đức, Mexico, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Canada và Ấn Độ. Mặc dù Mỹ hiện không nằm trong danh sách này, nhưng chưa thể loại bỏ khả năng thị trường này cũng sẽ bị dừng hỗ trợ trong tương lai không xa.

Sau ngày 31/1/2020, các tính năng như tạo lời nhắc và danh sách sẽ không còn hoạt động trong các ứng dụng di động Cortana hoặc trong trình khởi chạy Microsoft Launcher, nhưng người dùng có thể tiếp tục truy cập chúng thông qua Cortana trên Windows. Ngoài ra, các lời nhắc nhở, danh sách và tác vụ của Cortana sẽ được tự động đồng bộ hóa với ứng dụng Microsoft To Do được cập nhật gần đây.

Việc Microsoft “khai tử” Cortana khỏi các thiết bị di động cũng không quá khó hiểu. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường ứng dụng cho di động Sensor Tower, ứng dụng Cortana cho iOS chỉ đứng thứ 254 trong danh mục Productivity trên App Store và chỉ đứng thứ 145 trên Google Play tính tới thời điểm thông báo trên được đưa ra.

Các dấu hiệu cho sự thoái trào của Cortana đã xuất hiện trong vòng ít nhất 18 tháng qua. Giới quan sát chú ý rằng trợ lý ảo này đã không hiện diện tại Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng (CES) năm 2018, với ngoại lệ duy nhất là bộ điều chỉnh nhiệt dựa trên công năng của Cortana. Nhưng chính sản phẩm này không còn liệt kê Cortana là một tính năng đáng chú ý trên trang giới thiệu của mình.

Mặc dù Microsoft từng tuyên bố rằng Cortana có hơn 150 triệu người sử dụng trên hệ điều hành Windows 10, thực tế là đại đa số chỉ đơn giản sử dụng chức năng tìm kiếm thông qua văn bản chứ không phải Cortana. Giới chuyên gia từng nhận xét rằng các trợ lý ảo sẽ làm được nhiều việc hơn khi là một phần của thiết bị chuyên dụng như loa thông minh Echo của Amazon hơn là trên máy tính để bàn. Và Microsoft cuối cùng cũng phải thừa nhận điều đó.

*Tương lai nào cho Cortana?

Cortana bắt đầu cuộc chơi như một trợ lý ảo cho các điện thoại Windows Phone, trước khi tìm đường đến Windows 10, iOS và Android. Microsoft cũng kỳ vọng Cortana sẽ xuất hiện trên các sản phẩm điện tử như loa thông mình, tủ lạnh, lò nướng bánh cùng nhiều thiết bị khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những kỳ vọng này đã không thể thành sự thật.

Với Windows Phone đã bị khai tử và rất ít người sử dụng Cortana trên máy tính để bàn, Microsoft đã buộc phải đưa ra quyết định khó khăn là từ bỏ cạnh tranh với Alexa và Google Assistant. Hồi đầu năm nay, Giám đốc điều hành (CEO) của Microsoft, ông Satya Nadella, thừa nhận rằng hãng không còn coi Cortana là đối thủ cạnh tranh với các trợ lý ảo trên và quyết định kết thúc kế hoạch phát triển loa thông minh tích hợp Cortana.

Cortana từng là một phần đáng kể của hệ điều hành Windows 10, nhưng giờ đây trợ lý ảo này chỉ còn là một ứng dụng. Sự biến đổi này cho phép Microsoft cập nhật Cortana thường xuyên hơn, nhưng cũng đồng nghĩa là công ty có thể tách nó khỏi tính năng tìm kiếm tích hợp sẵn trong Windows. Điều này đã thành sự thực sau một số thay đổi nhân sự lớn trong bộ phận phát triển hệ điều hành Windows và Cortana hồi năm ngoái.

Microsoft hiện đang thu hẹp quy mô hoạt động và loại bỏ Cortana trong Windows 10, đồng thời xây dựng một giao diện tìm kiếm mới cho hệ điều hành này. Cortana cũng bị rút khỏi máy chơi điện tử cầm tay Xbox One. Ban đầu, Microsoft dự định ra mắt trợ lý này trên bảng điều khiển Xbox One vào năm 2015. Nhưng do những chậm trễ trong việc phát triển bảng điều khiển này, Cortana mới xuất hiện trên Xbox vào năm 2016 để rồi lại bị gỡ bỏ chỉ ba năm sau đó.

Tuy nhiên, mọi chuyện chưa hẳn là đã kết thúc với Cortana. Tại Hội nghị Ignite, Microsoft đã chia sẻ tầm nhìn mới cho Cortana, liên quan đến các tương tác đàm thoại cho những người dùng muốn sử dụng trợ lý ảo này để sắp xếp thời gian biểu hàng ngày của họ.

Theo ông Andrew Shuman, người hiện đứng đầu bộ phận phát triển Cortana, một trong những thách thức mà Microsoft phải đối mặt trong vài năm qua là tìm ra những lĩnh vực mà Cortana thực sự có thể bổ sung thêm nhiều giá trị cho người dùng. Lời giải cho vấn đề này là đưa Cortana tham gia sâu hơn nữa vào gói trải nghiệm ứng dụng văn phòng Microsoft 365, giúp người dùng sắp xếp lịch trình, công việc, tài liệu cũng như tương tác với các đồng nghiệp khác của họ. Những dữ liệu này cũng sẽ giúp Cortana “học tập” và qua đó ngày càng trở nên tối ưu hóa đối với người dùng.

Microsoft cũng định vị lại Cortana như một ứng dụng có thể chạy trên bất cứ nền tảng nào. Hiện nhóm phát triển Cortana đã được tách khỏi bộ phận nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (AI) của Microsoft và sang bộ phận Trải nghiệm và Thiết bị (Experiences & Devices). Giới quan sát bày tỏ hy vọng điều này đồng nghĩa là Cortana sẽ bắt đầu xuất hiện trong các sản phẩm thực sự phù hợp và có ý nghĩa, như tai nghe Surface của Microsoft.

Song những thay đổi này cũng có thể đồng nghĩa với việc Alexa sẽ “tiếp quản” các trải nghiệm mà Cortana từng cung cấp trực tiếp trong Windows, giữa lúc Microsoft cố gắng tích hợp những trợ lý ảo “thông minh” hơn vào phần mềm của riêng họ. Microsoft cũng đã hợp tác với Amazon để Alexa và Cortana có thể nói chuyện với nhau, nhưng việc tích hợp vẫn cần thêm thời gian để phát triển.

Thật khó để dự báo chính xác số phận của Cortana sẽ ra sao trong một hoặc hai năm nữa. Tuy nhiên, từ những thay đổi của Microsoft, rõ ràng công ty này muốn trợ lý ảo của mình dần lui về hậu trường. Vẫn còn khả năng Cortana sẽ được tích hợp trong các sản phẩm điện tử cần có trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói. Song theo giới quan sát, người dùng trong tương lai sẽ ra lệnh cho những chiếc tủ lạnh hoặc lò nướng thông minh thông qua Alexa hoặc Google Assistant, chứ không phải Cortana./.

Có thể bạn quan tâm