Việt Nam xếp thứ 10 toàn cầu trong chuyển đổi sử dụng IPv6

Việt Nam xếp thứ 10 toàn cầu trong chuyển đổi sử dụng IPv6
Tạp chí Nhịp sống số - Ngày 27/7, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, trong tháng 7/2020, Trung tâm Internet Việt Nam đã triển khai chương trình đào tạo 34 học viên đầu tiên trong chương trình đào tạo 500 chuyên gia về giao thức internet thế hệ IPv6 và hệ thống máy chủ tên miền (DNS).

Đây là chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho các cán bộ công nghệ thông tin của cơ quan chuyên trách công nghệ thông khối Bộ, ngành trong giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ 100% các cơ quan nhà nước chuyển đổi hoàn toàn hệ thống công nghệ thông tin, Internet từ IPV4 sang IPv6 vào năm 2025.

Trong giai đoạn 2011-2019, Việt Nam đã thực hiện tốt Kế hoạch hành quốc gia về IPv6 (theo quyết định số 433/QĐ-BTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ký ngày 29/3/2011), mạng internet Việt Nam được đảm bảo hoạt động ổn định trên nền tảng IPv6 và sẵn sàng phục vụ cho việc phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia.

Theo nghiên cứu của hãng Facebook và Apple, kết nối internet sử dụng IPv6 nhanh hơn 1,4 lần so với sử dụng IPv4.

Với ưu thế vượt trội, IPv6 là giao thức internet thế hệ mới, được thiết kế sử dụng mặc định cho triển khai 4G, 4G-LTE, 5G, internet kết nối vạn vật (IoT).

Hiện nay, xu thế sử dụng mạng thuần IPv6 được triển khai rộng rãi trong các dịch vụ trực tuyến quy mô lớn tại các nhà cung cấp dịch vụ internet, mạng di động và các trung tâm dữ liệu lớn trên thế giới.

Việt Nam đã đi sớm hơn so với nhiều quốc gia về hỗ trợ, thúc đẩy IPv6 trong khối cơ quan nhà nước khi khai trương Chương trình “IPv6 For Gov” từ tháng 5/2019 và đặt mục tiêu thực hiện quyết liệt, tập trung công tác chuyển đổi IPv6 trong khối cơ quan nhà nước trong giai đoạn 2020-2025.

Tính đến tháng 6/2020, Việt Nam xếp thứ 10 toàn cầu trong chuyển đổi sử dụng IPv6 với tỷ lệ ứng dụng IPv6 trên mạng internet Việt Nam đạt 44% (trung bình toàn cầu là 22%).

Hiện tại, Việt Nam có hơn 36 triệu người sử dụng IPv6, với 25 triệu thuê bao di động 3G/4G, 11 thuê bao cáp quang FTTH đang hoạt động tốt trên nền IPv6.

Đại diện Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, mặc dù mạng internet Việt Nam đã hoạt động tốt với phương thức internet IPv6, tuy nhiên mức độ ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của cơ quan nhà nước còn chậm hơn so với hiện trạng chung quốc gia.

Do đó, để hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong chuyển đổi IPV6, Trung tâm Internet Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo chuyên gia bám sát với hiện trạng công nghệ thông tin của bộ, ngành và cập nhật các kiến thức mới nhất về IPv6, DNS, các mô hình tham chiếu kết nối mạng bộ, ngành, địa phương.

Chương trình cũng cung cấp những thông tin thực tiễn để đảm bảo kết nối và an toàn dự phòng cho hệ thống mạng lưới, dịch vụ để phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Khuyến nghị với các cơ quan nhà nước về việc đẩy nhanh chuyển đổi IPv6 nhằm phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay, nguồn tài nguyên IPV4 đã cạn kiệt nên chuyển đổi sang IPV6 là giải pháp để đảm bảo chất lượng kết nối Internet, đảm bảo an toàn thông tin và hướng tới phục vụ người dân tốt hơn.

Đồng thời, các cơ quan nhà nước cần chú trọng vấn đề nhân lực để thực hiện chuyển đổi. Quá trình chuyển đổi IPV6 cần theo dõi, đúc kết và điều chỉnh qua mỗi giai đoạn. Sau chuyển đổi cần, tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Việc triển khai sớm và bài bản chuyển đổi internet thế hệ mới IPv6 tại Việt Nam hiện nay và giai đoạn tới sẽ phản ánh mức độ phát triển internet quốc gia, khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế, thực hiện mục tiêu, sứ mạng mới trong việc ứng dụng công nghệ cao phát triển internet an toàn, bền vững.

Có thể bạn quan tâm