Chuyển đổi số đóng góp tăng trưởng 1.000 tỷ USD vào tổng GDP của ASEAN trong 10 năm

Tạp chí Nhịp sống số - Thông tin được ông Paul Yeo - CEO tập đoàn Confexhub - chia sẻ tại hội nghị chuyển đổi số Việt Nam 2022 chủ đề “Nâng cao nguồn nhân lực số”.

Hội nghị “Nâng cao nguồn nhân lực số” do Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với eduCLaaS - nền tảng nâng cao kỹ năng số tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Confexhub - nhà cung cấp giải pháp mạng lưới các nhà lãnh đạo tư tưởng (Think-tank) tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích cung cấp kiến thức cho lĩnh vực công và tư, đồng thời thúc đẩy hợp tác song phương trong việc cải tiến nền giáo dục vì lợi ích chung toàn cầu, đồng hành cùng chương trình chuyển đổi số trong khu vực các nước ASEAN, góp phần cải thiện kỹ năng số và khả năng cạnh tranh số.

Hội nghị “Nâng cao nguồn nhân lực số”
ội nghị được tổ chức nhằm mục đích cung cấp kiến thức cho lĩnh vực công và tư, đồng thời thúc đẩy hợp tác song phương trong việc cải tiến nền giáo dục vì lợi ích chung toàn cầu

Chia sẻ tại sự kiện, ông Paul Yeo - CEO tập đoàn Confexhub - nhận định, các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số đang làm thay đổi các ngành công nghiệp, làm phong phú thêm cuộc sống cũng như thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Cuộc cách mạng kỹ thuật số cũng tác động đến cuộc sống hàng ngày, các hoạt động kinh tế khiến việc sử dụng tiền mặt ngày càng trở nên lỗi thời và các thành phố cũng trở nên thông minh và an toàn hơn. 

Trong bối cảnh đó, mặc dù bị coi là "tụt hậu" về nền kinh tế kỹ thuật số, song các nước ASEAN có tiềm năng lọt vào top 5 nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu thế giới vào năm 2025.

Minh chứng cho điều này, ông Paul Yeo dẫn số liệu từ báo cáo của công ty tư vấn Kearney: nếu thực hiện thành công, triệt để chương trình chuyển đổi số, GDP của ASEAN có thể được bổ sung 1.000 tỷ USD vào tổng GDP trong 10 năm tới và giúp ASEAN vươn lên trở thành trung tâm kỹ thuật số hàng đầu thế giới.

Ông Paul Yeo tại Hội nghị “Nâng cao nguồn nhân lực số”
Theo ông Pau; Yeo, cần có những thay đổi lớn trong việc tái suy nghĩ, tái định hình và tái tạo hệ sinh thái phát triển nhân lực để đào tạo ra lực lượng lao động tương lai với đủ các kỹ năng cần thiết

“Cần có những thay đổi lớn trong việc tái suy nghĩ, tái định hình và tái tạo hệ sinh thái phát triển nhân lực có khả năng kết hợp việc học tập với thực hành, đào tạo ra lực lượng lao động tương lai với đủ các kỹ năng cần thiết để đóng góp cho sự phát triển bền vững, khả năng cạnh tranh cũng như khả năng phục hồi của các nước ASEAN”, ông Paul Yeo nói.

Theo các chuyên gia, các quốc gia thành viên ASEAN đang thực hiện từng bước vững vàng trong hành trình chuyển đổi số. Điều này dẫn đến sự gia tăng chưa từng thấy trong nhu cầu về kỹ năng số, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái giáo dục đào tạo thuận lợi cùng khả năng phát triển nguồn nhân lực số. Đặc biệt, các hoạt động đào tạo cũng cần được đổi mới để phù hợp với nhu cầu dạy và học ngày càng thay đổi, đặc biệt là sau dịch Covid-19. 

Đồng quan điểm, ông Leslie Loh – Người sáng lập và là CEO của eduCLaaS - cho rằng khu vực châu Á cần chuyển đổi mô hình giáo dục mạnh mẽ. Theo diễn giả này, nhiều quốc gia như Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia... đã chi hàng tỉ USD cho ngân sách giáo dục trong những năm gần đây để chuyển đổi mô hình giáo dục thích ứng được các kỹ năng lao động trong những năm tiếp theo. Mô hình mà họ chú trọng là học tập suốt đời, chú trọng vào các kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành cho các ngành nghề quan trọng.

Ông Leslie Loh phân tích, nghiên cứu đã chỉ ra rằng đào tạo trong nhà trường chỉ mang lại 10% kiến thức, 20% kỹ năng được thu nhận từ huấn luyện của chuyên gia, trong khi đó, 70% kỹ năng có được là từ chính kinh nghiệm của người học. Với thực tế giáo dục Việt Nam, ông Leslie Loh cho rằng chủ yếu đang chịu sự điều phối, tài trợ ngân sách của Chính phủ, giáo dục phần lớn nằm trong khu vực công.

"Muốn chuyển đổi giáo dục để tạo ra kết quả học đi đôi với hành, nâng cao kỹ năng số thì phải học tập tích hợp, liên ngành, phối hợp đối tác. Để làm được điều đó cần có hệ sinh thái cho giáo dục bao gồm các bên phải tham gia, phải hợp tác công – tư. Đó là Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức,…", ông Leslie Loh nói. 

Cho rằng mục tiêu cuối cùng của giáo dục là để người học kiếm được việc làm tốt, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội, ông Tan Chor Meng – Giám đốc cấp cao của Wiley University Service cho rằng cần thúc đẩy mô hình giáo dục liên quan kết nối việc làm, cần tái đào tạo lực lượng lao động để tăng cường kỹ năng, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm trong tương lai, thích ứng được với xu hướng lao động của các lĩnh vực ngành nghề.

Có thể bạn quan tâm

Sau 6 tháng thi công, điểm trường Kháo Chu đã hoàn thiện vững chãi và khang trang. Đây là công trình do Liên doanh ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam đồng hành cùng chương trình "Cặp lá yêu thương" VTV1 xây dựng