Cơ hội cho các doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin Gartner, tổng chi tiêu cho an ninh mạng và rủi ro trên toàn cầu đạt 188 tỷ USD trong năm 2023 (tăng 12% so với năm 2022). Gartner cũng dự báo, chi tiêu cho CNTT nói chung trên toàn cầu tiếp tục tăng trưởng và có thể vượt ngưỡng 8.000 tỷ USD trước năm 2030. Trong đó, an ninh bảo mật là một trong những lĩnh vực đáng chú ý. Số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Modor Intelligence cho thấy quy mô thị trường an ninh mạng toàn cầu ước tính đạt hơn 203 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt trên 350 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR 11,44% trong giai đoạn 2024-2029.
Tại Việt Nam, theo Bộ TT&TT, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin năm 2023 đạt 5.522 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng đang tăng trưởng, với hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ ngày càng hoàn thiện và dần khẳng định tên tuổi cũng dần chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Xu hướng tăng cường đầu tư cho an ninh mạng trên toàn cầu nhằm ứng phó với các cuộc tấn công mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam mở rộng ra thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp bắt tay đưa dịch vụ an ninh mạng Việt Nam ra thị trường thế giới
Hợp tác giữa Công ty cổ phần an ninh mạng SCS (SafeGate) và Công ty TNHH BlueOC với mục tiêu khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực an ninh mạng, cùng nhau phát triển và đưa dịch vụ an ninh mạng tiếp cận với các thị trường mới.
Theo thoả thuận, BlueOC và SafeGate cam kết hợp tác trong việc chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực an ninh mạng; Thúc đẩy thương mại hóa và đưa các sản phẩm và dịch vụ an ninh mạng do doanh nghiệp Việt Nam triển khai ở các thị trường quốc tế, đặc biệt là các dịch vụ an ninh mạng. BlueOC và SafeGate cũng đồng thuận hợp tác trong nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ mới đáp ứng nhu cầu thị trường, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác bền vững và cam kết cùng nhau trong hành trình “Go Global” với các thị trường mục tiêu như Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Canada….
Ông Ngô Tuấn Anh, CEO SafeGate đánh giá với xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, an ninh mạng là thị trường hấp dẫn với quy mô lớn, dịch vụ đa dạng và luôn có cơ hội cho "người chơi" mới. Để khai phá và chinh phục thị trường quốc tế, nhất là với một lĩnh vực đặc thù như an ninh mạng chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, các doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam có thế mạnh về nhân sự chuyên môn tốt, dịch vụ cung cấp đa dạng, giá cả cạnh tranh. “Hợp tác giữa hai bên sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng. Nền tảng và kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh mạng của SafeGate kết hợp với thế mạnh của BlueOC trong lĩnh vực phần mềm và kênh tiếp cận các thị trường quốc tế lớn, tôi tin rằng các dịch vụ an ninh mạng Việt sẽ sớm chinh phục được thị trường quốc tế khó tính trong thời gian tới”, ông Ngô Tuấn Anh kỳ vọng.
Theo ông Mai Xuân Thứ, Giám đốc Công nghệ BlueOC, các mối nguy cơ tiềm ẩn từ tội phạm mạng đang là nỗi lo ngại lớn của nhiều doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, việc tập hợp nguồn lực để cùng phát triển các giải pháp bảo mật hiệu quả và toàn diện cho doanh nghiệp là vô cùng cần thiết.
"Việc hợp tác lâu dài giữa SafeGate và BlueOC giúp 2 bên củng cố năng lực của mình, cùng nhau phát triển các giải pháp phần mềm phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng và bảo mật tốt, nâng cao uy tín của Việt Nam nói chung và 2 công ty nói riêng trong thị trường công nghệ thông tin trong và ngoài nước”, ông Mai Xuân Thứ nói thêm.