Tetra Pak thử nghiệm lớp bảo vệ thực phẩm làm từ sợi, nâng cao năng lực tái chế bao bì

Tạp chí Nhịp sống số - Tetra Pak cho biết đã có bước tiến mới trên hành trình hướng tới bao bì tiệt trùng có thể tái tạo hoàn toàn với việc thử nghiệm lớp bảo vệ thực phẩm thay thế cho màng nhôm.

Tetra Pak mới đây cho biết đang thử nghiệm lớp màng bảo vệ bằng sợi đầu tiên trong các bao bì đựng thực phẩm không cần bảo quản lạnh. Với thử nghiệm này, Tetra Pak thêm bước tiến trong việc tìm những giải pháp mới nhằm tạo ra vỏ hộp giấy sử dụng vật liệu tái tạo hoàn toàn và có thể tái chế với mục tiêu thực hiện cam kết trung hòa khí nhà kính.

Đại diện Tetra Pak cho biết, trong nỗ lực dài hạn hướng tới những đổi mới đột phá, thúc đẩy hoạt động thiết kế ra các sản phẩm có thể tái chế, việc gia tăng hàm lượng giấy của vỏ hộp là ưu tiên hàng đầu của công ty. Điều này cũng đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng. Dựa trên nghiên cứu toàn cầu gần đây , khoảng 40% người tiêu dùng cho biết "các vỏ hộp được làm hoàn toàn từ giấy, không chứa nhựa hoặc nhôm" sẽ được họ ưu tiên phân loại để tái chế hơn nhiều lần.

Lô thử nghiệm đầu tiên là vỏ hộp giấy tiệt trùng, với các sản phẩm dùng thử hiện đang được bày bán trên kệ để người tiêu dùng trải nghiệm. Việc thẩm định công nghệ này dự kiến được thực hiện vào cuối năm 2022.

Ông Gilles Tisserand - Phó Chủ tịch phụ trách Khí hậu & Đa dạng sinh học, Tetra Pak - cho biết: "Kết quả ban đầu cho thấy vỏ hộp có màng bảo vệ từ sợi sẽ giúp làm giảm đáng kể lượng phát thải CO2 so với các vỏ hộp giấy tiệt trùng truyền thống, đồng thời đảm bảo thời hạn sử dụng và đặc tính bảo vệ thực phẩm tương đương. Mặc dù mảnh hơn sợi tóc người, lớp màng nhôm bên trong vỏ hộp giấy tiệt trùng hiện tại đã tạo ra khoảng một phần ba lượng khí thải nhà kính liên quan đến nguyên liệu nền của chúng tôi. Do đó, chúng tôi hy vọng sự phát triển này sẽ là một bước đột phá trong việc giảm biến đổi khí hậu".

Bên cạnh đó, cũng theo đại diện Tetra Pak, vỏ hộp có hàm lượng giấy cao cũng được ưa chuộng hơn tại các nhà máy giấy; do đó, ý tưởng này cho thấy tiềm năng rõ ràng của việc hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon trong ngành bao bì. 

Eva Gustavsson, Phó Chủ tịch phụ trách Nguyên liệu & Đóng gói, Tetra Pak cho biết thêm, công ty đang đầu tư lên tới 100 triệu euro mỗi năm với tầm nhìn từ 5 đến 10 năm tới, mục tiêu tiếp tục xây dựng hình ảnh thân thiện với môi trường của vỏ hộp giấy, bên cạnh đó nghiên cứu và phát triển vỏ hộp được làm từ vật liệu đơn giản và gia tăng hàm lượng tái tạo.

"Chúng tôi còn cả chặng đường dài phía trước nhằm đạt được tham vọng bền vững của mình, trong khi vẫn bảo vệ an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn chất lượng cao khác, nhưng với sự hỗ trợ của các đối tác, chúng tôi đang có những bước tiến nhất định trên hành trình của mình", bà Eva Gustavsson chia sẻ.

Hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon, Tetra Pak đang nỗ lực để sử dụng nguyên liệu tái sinh và giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình. Đích đến mà công ty hướng tới là tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái sinh lên tới 100%. Đặc biệt, để hoạt động thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đạt quy mô lớn và rộng khắp, Tetra Pak đang hợp tác với các nhà bán lẻ lớn như Mega Market và AEON MALL để mở rộng các điểm thu gom vỏ hộp giấy trong cộng đồng tại các thành phố lớn. Ngoài ra, công ty cũng hợp tác để đưa vỏ hộp giấy vào danh mục thu gom của ứng dụng VECA trên điện thoại thông minh. Cùng với đó, Tetra Pak đã cùng với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ và nhập khẩu sáng lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO) với mục tiêu là toàn bộ bao bì do các thành viên trong Liên minh cung cấp cho thị trường Việt Nam sẽ được thu gom và tái chế vào năm 2030.

Có thể bạn quan tâm