Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, năm 2021 là năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19, gây ra nhiều biến động cho thị trường nhưng cũng là năm kỷ lục của đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam với tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019. Ngoài ra, tổng số thương vụ đầu tư cũng đạt con số cao nhất từ trước đến nay là 165, tăng 57% so với năm 2020.
Đại dịch COVID-19 kéo dài, tuy đặt ra nhiều thử thách cho nền kinh tế, nhưng lại trở thành một chất xúc tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Công nghệ số đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng và còn giúp nhiều công ty có thể đạt được tăng trưởng vượt bậc. Bên cạnh đó, khẩu vị của các nhà đầu tư đã nhanh chóng dịch chuyển để tập trung vào các nhóm ngành không bị tác động mạnh bởi đại dịch. Hơn nữa, sự thuận tiện của các ứng dụng hội thảo trực tuyến cũng khiến cho việc hạn chế đi lại không còn là rào cản trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư. Trong năm 2021, Việt Nam đón chào sự xuất hiện của thêm hai kỳ lân công nghệ mới là Momo và Sky Mavis, nhờ vào tần suất sử dụng các sản phẩm số ngày một tăng cao của người dùng trong thời gian dịch bệnh.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam đã có những bước hồi phục ấn tượng
Trong năm 2021, nhờ vào sự bền bỉ của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, sau một năm 2020 đầy khó khăn, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nước đã phục hồi trở lại và vươn lên một tầm cao mới. Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, hầu hết các vòng gọi vốn đều cho thấy có sự phục hồi mạnh mẽ, đạt đến con số cao hơn cả về số lượng và quy mô thương vụ so với kết quả của năm 2020. Trong đó, có sự tăng trưởng của một số lĩnh vực mới nổi. Thanh toán (payment) và Bán lẻ (retails) tiếp tục là những lĩnh vực quan tâm chiếm ưu thế, dù vậy vốn đầu tư rót vào các lĩnh vực mới nổi như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, Tự động hóa doanh nghiệp đều có sự tăng trưởng đáng kể so với năm 2020, trong đó đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đạt mức cao kỷ lục.
Chia sẻ về kết quả của sự tăng trưởng này, Ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub nhận định, năm vừa rồi các dự án đầu tư khởi nghiệp thật sự đã gọi được rất nhiều vốn, nói lên một phần nào đó về chất lượng của thị trường startup Việt Nam. Đây cũng là minh chứng cơ bản cho thấy sự trưởng thành của các startups nhưng không phải là màu hồng hoàn toàn vì đa số dự án gọi vốn thành công vẫn là những gương mặt cũ. Bên cạnh đó, thị trường Startup cũng trải qua một cuộc đào thải khắc nghiệt với một tỷ lệ lớn startups ra đi trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Các nhà đầu tư vẫn duy trì sự quan tâm với thị trường Việt Nam
Số lượng các nhà đầu tư vào Việt Nam trong năm 2020 chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hoạt động tích cực nhất bao gồm các nhà đầu tư đến từ Việt Nam, Hàn Quốc và Singapore. Đáng chú ý, các quỹ trong nước đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp Việt Nam trong thời gian thử thách này vì hơn 75% các thương vụ được ghi nhận được thực hiện bởi các quỹ trong nước hoặc quỹ nước ngoài có nhân sự tại Việt Nam. Theo khảo sát của Do Ventures với 50 quỹ đầu tư đang hoạt động tại 6 thị trường khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thailand), Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu trong 12 tháng tới, sau đó là Indonesia. Xu hướng tâm lý nhà đầu tư với thị trường Việt Nam vẫn ở mức khả quan cao, khi mà có thể thấy các quỹ vẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư ở mức 117 – 200 thương vụ trong 12 tháng tiếp theo. Gần như 80% các nhà đầu tư có kế hoạch triển khai 1-5 thương vụ. Trong năm tới, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực hàng đầu sau đây tại Việt Nam: Giáo dục, Chăm sóc sức khỏe, và Dịch vụ Tài chính.
Có thể nói, với số lượng lớn các công ty giai đoạn đầu đầy tiềm năng với đà phát triển như hiện nay, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã sẵn sàng để bước vào giai đoạn trưởng thành hơn, tiếp tục gặt hái được thành công và đưa Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ đáng chú ý trong khu vực.