Vai trò của AI trong cuộc chiến chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Tạp chí Nhịp sống số - Bên cạnh tính tiên phong mà những ích lợi mà nó mang lại, trí tuệ nhân tạo (AI) còn là "trợ thủ" đắc lực tiếp tay cho các hoạt động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial intelligence) đang là công nghệ được quan tâm phát triển và ứng dụng bậc nhất trên thế giới. Đến nay, công nghệ này được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nhận dạng khuôn mặt, xử lý giọng nói, đếm đối tượng… đến các hệ thống an ninh, bảo mật, hay giáo dục, truyền thông, pháp lý... 

Một trong những đặc trưng của công nghệ AI là năng lực "tự học" của máy tính - dựa trên nguồn dữ liệu được nạp vào, nó có thể tự phán đoán, phân tích, dự báo... và tạo ra các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người. Đi kèm với đó là khả năng xử lý dữ liệu với số lượng rất lớn và tốc độ cao. 

Góc tiếp cận hai chiều về công nghệ AI với quyền sở hữu trí tuệ

Cùng với sự hoan nghênh một công nghệ tiên tiến, nhân loại cũng đang đối mặt với một số vấn đề liên quan đến AI, mà cụ thể là nguy cơ mất kiểm soát, không quản lý được. Thậm chí, nhiều nhà khoa học "lo xa" đã nghĩ đến viễn cảnh loài người bị thống trị bởi AI. Đơn cử, các chuyên gia nhắc đến nguy cơ về deepfake (tạo ra các sản phẩm giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video) khiến các nhà làm luật đau đầu, hay câu chuyện về "lằn ranh" giữa sáng tạo vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ... 

Theo một báo cáo năm 2022 của Cơ quan về sở hữu trí tuệ của EU (EUIPO), AI có thể bị sử dụng để tấn công mạng, lấy cắp tác phẩm hoặc thiết kế được bảo hộ bản quyền để sản xuất hàng giả, hàng nhái một cách dễ dàng hơn. Đổi lại, công nghệ này cũng giúp các cơ quan hữu trách có thể phát hiện hành vi phạm nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) xếp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vào top 10 ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống lại tội phạm có tổ chức. Đặc biệt, việc lợi dụng công nghệ AI để vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được coi là một trong những hành vi phạm tội trên mạng (cybercrime) cần "bắt chặt". 

Theo đó, người ta cho rằng, AI có thể sao chép, nhái lại hoặc đánh cắp các tác phẩm, thiết kế đã được bảo hộ bản quyền... Từ đó, sản xuất hàng giả, hàng nhái một cách dễ dàng hơn. Từ góc độ ngược lại, công nghệ này cũng giúp đối phó khác cho các cơ quan chức năng, giúp phát hiện hành vi phạm pháp nhanh hơn và hiệu quả hơn. Theo đó, từ năm 2019, EU đã sử dụng thuật ngữ "gươm hai lưỡi" cho vấn đề này: Nếu như một công nghệ AI có thể bị sử dụng để xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thì cũng (thường) tồn tại khả năng sử dụng chính công nghệ đó để bảo vệ hay nâng cao bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Thuật ngữ này cũng như cách ứng xử này của EU cho thấy, trong công nghệ này có những "lằn ranh" mà cả hai phía (bên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các đối tượng tìm cách vi phạm quyền đó) đều có thể tận dụng. Từ góc độ đó, người ta cho rằng các ứng dụng AI có thể phát triển theo 4 bước: 1) Đánh giá mức độ hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hoặc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của công nghệ; 2) Phát triển công nghệ theo mục tiêu cụ thể; 3) Hoàn thiện công nghệ; 4) Khai thác hoặc sử dụng công nghệ để vi phạm hoặc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Nhân loại phải học cách sử dụng AI hiệu quả

Trí tuệ nhân tạo trong cuộc chiến chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Tháng 7 vừa qua, tỷ phú Mỹ Bill Gates đã chia sẻ một bài viết dài 3.000 từ trên blog GatesNotes về chủ đề liên quan đến công nghệ này. 

"Tương lai của AI không nghiệt ngã như một số người nghĩ, nhưng cũng không phải màu hồng. Rủi ro là có thật, nhưng tôi lạc quan rằng AI có thể kiểm soát bằng cách quản lý chúng hiệu quả", bài viết ngày 11/7 của Bill Gates mở đầu như vậy. 

Ông nêu một loạt sự tiến bộ do AI mang lại, so sánh công nghệ này với sự ra đời của ôtô, máy tính, smartphone và Internet - những thành tựu công nghệ mà nhân loại từng e ngại nhưng cuối cùng lại sử dụng "nhiệt tình" vì sự hữu ích và thiết thực của chúng.  

Bill Gates so sánh: "Nó cũng giống như cách học sinh dùng AI để viết bài luận. Giáo viên cần dùng công nghệ AI như công cụ hỗ trợ và thiết kế bài giảng rõ ràng để học sinh ứng dụng vào học tập, giống như cách hướng dẫn tìm kiếm trên Google trước đây".

Nhưng tỷ phú Mỹ cũng chia sẻ nguy cơ mà ông nhìn thấy trong lĩnh vực lao động việc làm, khi "thế giới chuyển dịch công việc sang AI". 

Bên cạnh đó, tỷ phú Mỹ lo deepfake và thông tin sai lệch do AI tạo ra có thể tác động đến cuộc sống người dân và xã hội. Nguy cơ về việc sử dụng công nghệ để truyền bá thông tin sai lệch không mới, nhưng đáng nói là AI khiến các thông tin trở nên "đáng tin cậy" hơn bao giờ hết. 

"AI ngày nay cho phép hầu như bất kỳ ai cũng có thể tạo âm thanh và video giả mạo, tức deepfake. Chúng khiến bạn dễ tin tưởng hơn nhiều so với việc nhận một email hay cuộc gọi lừa đảo", Gates viết

Liên quan đến vấn đề này, tỷ phú Mỹ cũng nhắc đến thuatạ ngữ "ảo giác" - chỉ các thông tin có vẻ tin cậy nhưng thực tế thiếu chính xác hoặc bịa đặt. AI trong tương lai có thể khiến con người phải vận động trí não nhiều hơn để phân biệt đâu là thật.

Về bản chất AI chỉ vận hành tốt khi được sử dụng dữ liệu tốt. Như vậy, khi dữ liệu không chính xác, đầy đủ hoặc không khách quan, thì cũng sẽ dẫn đến kết quả thiếu chính xác. Với lĩnh vực bản quyền sở hữu trí tuệ, việc công nghệ thuộc phe "hắc" hay "bạch" phụ thuộc nhiều vào dữ liệu mà con người dạy chúng. 

 

Có thể bạn quan tâm