"Căn cước công dân 4.0" có gì mới?

Tạp chí Nhịp sống số - Những thẻ căn cước công dân gắn chip đã được chuyển đến tay người dân thực hiện làm trong đợt đầu tiên.

Trong 2 tháng qua, người dân cả nước đã được cơ quan Công an tại địa phương thu nhận hồ sơ, tiến hành các bước chụp ảnh, lấy dấu vân tay theo quy định để hoàn thành việc cấp căn cước công dân mới cho 50 triệu người vào 1/7.

Những người dân thực hiện làm căn cước công dân (CCCD) mới trong thời gian đầu đã có thể nhận thẻ.

Thủ tục đơn giản

Tùy từng thời điểm làm, yêu cầu của người dân mà căn cước công dân gắn chip có thể được chuyển tới qua đường bưu điện hoặc người dân tới nhận trực tiếp tại trụ sở công an.  

Phí cấp mới căn cước là 15.000 đồng, nếu người dân có nhu cầu chuyển phát tới địa chỉ nào, chỉ cần thanh toán thêm tiền vận chuyển. Khi thực hiện thay đổi căn cước công dân, nếu việc thực hiện do người dân chủ động tới cơ quan công an cấp quận để thực hiện, chỉ cần điền vào một tờ khai, photo chứng minh thư (căn cước công dân) cũ và sổ hộ khẩu để đăng ký.  

Trong đợt cao điểm thực hiện này, người dân khi thực hiện làm CCCD gắn chip tại phường, tổ dân phố sẽ không cần điền tờ khai, chỉ cần ký xác nhận vào tờ thông tin được người thực hiện in và mang theo chứng minh thư cũ.  

Cảm quan về thẻ căn cước gắn chip là tương tự với các loại giấy tờ cá nhân bằng vật liệu PET hiện nay. Kích thước thẻ tương đương với một tấm thẻ ATM, các thông tin được in trên 2 mặt thẻ đều rõ ràng, ngoài ra các mặt thẻ còn được cán thêm một lớp phủ, giúp bảo vệ thông tin được in trên thẻ không bị mờ theo thời gian sử dụng.  

Thẻ căn cước mới gồm các thông tin: số thẻ, họ tên, ngày sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú, thời hạn thẻ, ảnh chân dung; mặt sau có đặc điểm nhận dạng, ngày cấp, đơn vị cấp, ảnh dấu vân tay 2 ngón trỏ và một đoạn mã.

Khác biệt lớn nhất so với căn cước công dân thẻ cũ là mặt trước có thêm 1 mã QR và mặt sau được gắn chip. Đây chính là nơi chứa các thông tin để thay thế cho nhiều loại giấy tờ cá nhân khác.  

Số trên căn cước công dân được cấp như thế nào?

Mặt trước của căn cước công dân gắn chip.

Số CCCD gắn chip gồm 12 số được cấp theo nguyên tắc giống như CMND 12 số, CCCD mã vạch trước đây. Ba số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh (vd: mã Hà Nội là 001; TP.HCM là 079...).

Chữ số thứ 4 trong dẫy được quy định giới tính và thế kỷ sinh của người được cấp. Cụ thể nam sinh từ năm 1900 đến 1999 là số 0, nữ là số 1; Nam sinh từ năm 2000 đến 2099 sẽ là số 2 và nữ là số 3.  

2 chữ số tiếp theo là 2 số cuối năm sinh của công dân. 6 chữ số cuối cùng là số ngẫu nhiên.  

Như vậy quan sát dẫy số này sẽ thấy thông tin về nơi đăng ký khai sinh, giới tính và năm sinh của người được cấp.

Tại sao hạn thẻ căn cước công dân mới lại ngắn?

Trước đây, người dân sử dụng chứng minh thư nhân dân thường mặc định coi hạn sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp do nghị định ban hành năm 1999.

Tuy nhiên CCCD được cấp theo quy định của luật Căn cước công dân năm 2014. Theo đó mỗi công dân sẽ được đổi thẻ khi đủ 25, 40 và 60 tuổi. Như vậy thời gian sử dụng in trên căn cước công dân mới là tính đến ngày sinh nhật ở tuổi những mốc trên.  

Lần đổi CCCD năm 60 tuổi sẽ là lần đổi cuối cùng của mỗi người, trừ khi căn cước bị mất, hỏng mới cần cấp lại.  

Mã QR, chip trên căn cước mới để tiện cho mọi hoạt động

Khi đặt điện thoại Android lên CCCD mới, một số mẫu điện thoại sẽ hiện ra thông báo đã nhận thẻ NFC. Tuy nhiên lại không thực hiện đọc dữ liệu.

Theo website Bộ Công an, dữ liệu trên chip được bảo mật và khi cần trích xuất cần thiết bị đọc chuyên dụng ứng với thông tin liên quan đến nơi công dân tới làm việc. Chip này có thể cập nhật thêm thông tin về chữ ký số, sinh trắc học, thông tin về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe…

Việc cập nhật này sẽ được thực hiện khi công dân đi làm thủ tục tại cơ quan chức năng.

Trong khi đó mã QR ở mặt trước chứa các thông tin cơ bản để dễ khai thác. Ngoài các thông tin đã in trên thẻ, nó còn chứa số CMT, CCCD cũ. Do đó cơ quan công an cũng không cần cấp giấy xác nhận số chứng minh thư cũ cho người dân.

Khi giao dịch ngân hàng, cũng chỉ cần quét mã QR có thể xác nhận được số CMT cũ.  

Ai cần làm CCCD mới trước 1/7?

Theo dự kiến, tháng 7/2021 tới đây, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ chính thức hoàn thiện, kết nối với dự án căn cước công dân. Đây là 1 trong những lý do Bộ Công an đặt mục tiêu cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân trước ngày 1/7.

Dù số lượng căn cước công dân gắn chip cần cấp trước ngày 1/7 là rất lớn nhưng không có nghĩa bất cứ ai cũng phải đi làm thủ tục cấp CCCD gắn chip ngay lập tức. Chứng minh nhân dân, căn cước công dân nếu còn thời hạn, không bị hỏng thì vẫn có thể sử dụng trong thời gian tới. Người dân chưa cần đi làm mới.  

Có thể bạn quan tâm