Chính phủ điện tử: Còn nhiều thách thức

Chính phủ điện tử: Còn nhiều thách thức
Tạp chí Nhịp sống số - Khái niệm "Chính phủ điện tử" không còn xa lạ đối với người Việt Nam. Thế nhưng lộ trình xây dựng, vận hành và phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) ở Việt Nam thì còn quá nhiều bất cập, khó khăn...

Chính phủ điện tử

Cần có sự liên thông

Ngày 14/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết 36A về xây dựng CPĐT. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin điện tử thông suốt, kết nối liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến; xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ duy nhất trên Internet là những nội dung trọng yếu. Đây được xem là quyết tâm để thực hiện bằng được CPĐT, nhằm cải cách thủ tục hành chính, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Nghị quyết đặt mục tiêu năm 2015-2017 là giai đoạn trọng điểm trong quá trình phát triển CPĐT tại Việt Nam, phát triển CPĐT cần có sự phối hợp cải cách toàn diện 3 nhóm chỉ số bao gồm dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực là điều thiết yếu. Từ năm 2015 - 2017 tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính…

Thực tế trong thời gian qua, nhiều bộ ngành, địa phương đã thể hiện rõ nỗ lực cũng như quyết tâm phát triển ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phục vụ dân sinh. Tuy nhiên bên cạnh các kết quả tích cực đạt được thì vẫn còn một số tồn tại cần các cơ quan chức năng quan tâm phối hợp giải quyết triệt để, hiệu quả hơn nữa như các dịch vụ công chưa được đồng bộ hóa, khả năng tiếp cận chưa cao và tính tương tác chưa đủ đáp ứng nhu cầu người dùng.

Trong Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử 2016 với chủ đề “Hạ tầng hiện đại, dịch vụ công thông minh, tăng cường minh bạch và gắn kết công dân” diễn ra ở Hà Nội cuối tháng 3 vừa qua, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết, Nghị quyết 36a đã được ban hành là nền tảng ban đầu cho phát triển CPĐT tại Việt Nam. Để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra, các địa phương, các bộ ngành cần quyết liệt thực hiện Nghị quyết.

Theo ông Lê Mạnh Hà, nếu chưa có liên thông, chưa có kết nối thì chưa thể có CPĐT. Theo ông Hà, vấn đề cấp thiết trong phát triển CPĐT đó là cần liên thông toàn bộ hệ thống văn bản điện tử từ cấp xã, tỉnh đến Trung ương; phải phục vụ được người dân, doanh nghiệp, tích hợp lên 1 cổng quốc gia duy nhất để mọi người dân, doanh nghiệp có thể truy cập; cần phải có cơ chế, tài chính để xây dựng, thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT… phục vụ phát triển CPĐT. Nếu không làm được điều đó, mỗi ngành, mỗi địa phương làm 1 cách, không liên thông với nhau về cơ sở dữ liệu, công nghệ, thì không thể xây dựng và phát triển CPĐT đúng nghĩa được.

Một vấn đề mà xã hội đang chứng kiến, đó là quản lý cơ ở dữ liệu về cá nhân, nhưng đến mỗi cơ quan lại bắt buộc khai báo chi tiết từ đầu. Ngành Công an, có dữ liệu về công dân; ngành Tư pháp cũng có dữ liệu cá nhân về mỗi con người; ngành thuế và ngân hàng cũng vậy, khi cá nhân đó sử dụng các dịch vụ liên quan... Thế nhưng cơ sở dữ liệu các bộ, ngành này lại không thể liên thông nhau, khiến việc đối soát, tham chiếu trong từng trường hợp gặp rất nhiều khó khăn và mất thời gian. Ví dụ, một người sử dụng Chứng minh nhân dân để đăng ký dịch vụ viễn thông hoặc dịch vụ ngân hàng, nếu liên thông với dữ liệu Bộ Công an, ngay lập tức có thể xác định số Chứng minh nhân dân đó có hợp lệ hay không? Thế nhưng hiện nay không thể làm điều đó, phải chờ hậu kiểm mới biết được. Với các dịch vụ hải quan, thuế, cấp đổi bằng lái xe,... cũng vậy. Đây chính là điểm khó khăn nhất trong khâu phát triển CPĐT ở Việt Nam hiện nay.

Nhận thức và nhân lực

Tại nhiều hội thảo, ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước đều khẳng định, việc xây dựng và phát triển CPĐT có thành công hay không là do nhận thức, đặc biệt là của người đứng đầu. Điều này sẽ thể hiện ở nỗ lực cũng như quyết tâm của các bộ, ngành cũng như địa phương trong phát triển ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phục vụ dân sinh. Nói cách khác, nếu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương quan tâm, nhận thức rõ việc xây dựng CPĐT thì bộ, ngành, địa phương đó sẽ có sự đầu tư thích đáng về tài chính và nhân lực cho vấn đề này và ngược lại.

Nhiều địa phương cho rằng, trở ngại lớn khi triển khai các ứng dụng dịch vụ công là nguồn nhân lực CNTT còn yếu. Hiện hầu hết các sở, ngành, huyện thị đều có cán bộ chuyên trách CNTT nhưng còn chưa có kinh nghiệm và chỉ quản lý ở mức cơ bản. Một số cán bộ được luân chuyển công tác nên những người có chuyên môn về CNTT lại được luân chuyển đến vị trí không liên quan đến CNTT. Theo đánh giá chung của các cơ quan chức năng, hiện chỉ có khoảng 50% cán bộ công chức CNTT có thể đảm đương công việc do chất lượng đầu vào yếu. Ở tuyến huyện của nhiều địa phương, tuy có thành lập ban chỉ đạo CNTT phụ trách cho các hệ thống CNTT và một cửa nhưng cũng thiếu cán bộ chuyên trách chất lượng.

Tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử 2016, ông Mark Day, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Khối khách hàng Chính phủ toàn cầu của Microsoft và ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT cùng cho rằng, hiện nay mạng xã hội, ứng dụng di động đang ngày càng trở thành kênh giao tiếp hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ với công dân và doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2012-2014, số quốc gia sử dụng ứng dụng di động và SMS để giao tiếp với công dân đã tăng gấp đôi. Năm 2014, số quốc gia dùng mạng xã hội như Facebook, Twitter … kết nối với công dân tăng gấp đôi.

Đây là xu hướng và việc phát triển CPĐT ở Việt Nam cần phải tính tới, có lộ trình phù hợp. Theo ông Phạm Minh Tuấn, hiện có khá nhiều  thách thức lớn trong quá trình triển khai CPĐT. Đó là ngân sách Nhà nước dành cho phát triển CNTT còn khiêm tốn, ít hơn nhiều so với các ngành như: giao thông, y tế, giáo dục, dẫn đến tình trạng đầu tư manh mún. Quy trình sử dụng vốn ngân sách kéo dài, chỉ riêng lập dự án CNTT đã mất 2 đến 3 năm. Việc này dẫn đến tình trạng, đề án được phê duyệt thì công nghệ đó đã lạc hậu. Phương pháp triển khai CPĐTcũng còn nhiều vướng mắc, hoặc rơi vào tình trạng “trăm hoa đua nở”, khó khăn trong kết nối liên thông hoặc cầu toàn quá dẫn đến việc triển khai kéo dài, mất quá nhiều thời gian...

Theo ông Phạm Minh Tuấn, nếu những khó khăn đó không được nhận thức một cách đầy đủ và khắc phục trong thời gian tới, thì câu chuyện phát triển CPĐT ở Việt Nam còn lâu mới thành hiện thực!

 

Có thể bạn quan tâm

Xiaomi chính thức ra mắt chuỗi sự kiện Xiaomi Fan Festival 2024, nhân dịp dòng sản phẩm Redmi Note 13 đạt nhiều thành tích ấn tượng tại thị trường Việt Nam với các hoạt động giảm giá sản phẩm độc quyền.