Đại dịch thúc đẩy "thói quen số" trong tiêu dùng tại Việt Nam

Đại dịch thúc đẩy
Tạp chí Nhịp sống số - Covid-19 đã thúc đẩy "thói quen số" tại Việt Nam, khi mà người tiêu dùng đang kỳ vọng có thêm nhiều trải nghiệm số đa kênh và liền mạch hơn trong quá trình tương tác với các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực F&B.

Đó là nhận định được bà Winnie Wong - Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Campuchia và Lào của Mastercard – đưa ra bên lề Hội thảo Ẩm thực và Đồ uống Việt Nam 2022.

Sự kiện do Vietcetera và Mastercard phối hợp tổ chức lần lượt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. 

Theo thông tin từ Ban tổ chức, Hội thảo Ẩm thực và Đồ uống (F&B) Việt Nam 2022 thảo luận về các thách thức mà thị trường đã và đang phải đối mặt, nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời đưa ra những giải pháp chuyển đổi số nhằm mang đến trải nghiệm an toàn và tiện lợi, đồng thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng theo hướng đi sáng tạo và bền vững nhất. 

Có thể thấy, đại dịch Covid-19 là dịp để người tiêu dùng quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe, cũng như có thêm động lực để chi trả cho các sản phẩm tốt phục vụ điều này. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính kích thích sự gia tăng của xu hướng ăn kiêng mới, tiêu biểu là chế độ ăn gluten-free hay keto. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành F&B có thể tận dụng thói quen ăn uống của người Việt như thích rau xanh, yêu các món ăn vặt lành mạnh hay “không đi ăn một mình”.

Cùng đó, người tiêu dùng cũng đã nhận thức đầy đủ hơn về môi trường xung quanh để từ đó đưa ra những lựa chọn thương hiệu F&B phù hợp với các giá trị mà mình theo đuổi.

Sự thay đổi này đã khuyến khích ngành F&B cần phải tập trung hướng đến các giá trị mang tính tốt đẹp và bền vững hơn. Đồng thời, mở ra hướng đi mới cho những người trong ngành, khiến họ phải cẩn trọng hơn trong quá trình xây dựng dấu ấn cho thương hiệu - từ việc tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, cho đến quy cách đóng gói sản phẩm.

Về phía người dùng, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đã hình thành và ngày càng phát triển, với các hình thức như: thanh toán qua mã QR, điện thoại di động hoặc công nghệ thẻ không tiếp xúc...

Xu thế này cũng được ghi nhận qua báo cáo với tiêu đề “Chỉ số Thanh toán mới 2021 của Mastercard”. Theo đó, 84% người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết việc tiếp cận các hình thức thanh toán mới nổi của họ đã tăng lên đáng kể. Trong khi đó, có đến 88% đã sử dụng ít nhất một loại hình thanh toán mới nổi trong năm ngoái. Có tới 2/3 số người được khảo sát (gồm 75% thuộc thế hệ Millennials) chia sẻ rằng họ đã thử các phương thức thanh toán mới mà họ nghĩ rằng mình sẽ không sử dụng nếu không có đại dịch. Ngoài ra, có đến 60% người tiêu dùng cho biết sẽ sẵn sàng "tạm biệt" những địa điểm không chấp nhận các hình thức thanh toán điện tử. 

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Campuchia và Lào của Mastercard

Trong bối cảnh chung này, bà Winnie Wong cho rằng, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần phải số hoá và đặt nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu. Đây là điều vô cùng cấp thiết để doanh nghiệp giảm thiểu tác động của đại dịch và đi trước các đối thủ. 

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm