"Ma trận" thị trường đầu thu truyền hình DVB-T2

Tạp chí Nhịp sống số - Thị trường đầu thu truyền hình số DVB-T2 có quá nhiều các loại mẫu mã, với phân khúc giá cả chênh lệch lớn. Cùng với việc có nhiều loại hàng lậu, hàng giả, hàng nhái trà trộn khiến cho người tiêu dùng như lạc vào ma trận khi đi mua đầu thu truyền hình.

Tính đến thời điểm hiện tại số lượng đầu thu truyền hình số DVB-T2 đăng ký thủ tục công bố hợp quy tại Cục Viễn thông đã lên đến 79 sản phẩm. Sản phẩm đầu thu DVB-T2 trên thị trường rất đa dạng, có nhiều mức giá khác nhau để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân khi chuyển đổi sang thu xem truyền hình số DVB-T2.


Đầu thu THM-5668 của công ty Thế hệ mới bị làm giả trên thị trường.

Trên thị trường bán lẻ loại đầu thu truyền hình có giá thấp nhất khoảng 400.000 đồng, loại cao nhất lên đến hơn 890.000 đồng.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích là người đã nhiều lần đến việc thị trường đầu thu truyền hình DVB-T2 hiện nay như "ma trận" gây khó khăn rất lớn cho việc đấu thầu mua sắm. Ông Dũng cho hay, giá cả chênh lệch quá lớn gây khó khăn không nhỏ cho việc lựa chọn nhà thầu cho dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình cho hộ nghèo, cận nghèo mà Quỹ triển khai trong giai đoạn 1 của Đề án số hóa truyền hình.

Cụ thể, sản phẩm cùng có tính năng thu truyền hình số, cùng được công bố hợp quy, nhưng có loại chỉ hơn 300.000 đồng có loại thì 600.000 – 700.000 đồng. Quy định của nhà nước thì chấm thầu sẽ phải chọn nhà thầu có giá rẻ nhất, tuy nhiên nếu giá rẻ khi cung cấp cho người dân dùng lâu dài, chất lượng sản phẩm giảm sút đi khi đó sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Theo phân tích của một lãnh đạo Cục Viễn thông (đơn vị tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy sản phẩm đầu thu DVB-T2 của doanh nghiệp), đầu thu truyền hình, cũng như các thiết bị điện tử khác như điện thoại, thì việc sản phẩm có cùng tính năng cơ bản có mức giá chênh lệch nhau là điều hết sức bình thường. Ví dụ, điện thoại di động có loại chỉ 200.000 – 300.000 đồng cũng có thể nghe, gọi, nhắn tin và dùng một số tính năng cơ bản khác. Nhưng cũng có những loại điện thoại cao cấp lên tới hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng, cùng là mặt hàng điện thoại di động. Đối với sản phẩm đầu thu truyền hình cũng vậy, tính năng chính  của nó là thu tín hiệu truyền hình, thì người mua chỉ cần xem được nhiều kênh, hình ảnh đẹp, âm thanh hay. Nhưng ở những sản phẩm có phân khúc giá cao hơn thì linh kiện sản phẩm của hãng uy tín hơn và có thể có những tính năng bổ sung khác, về độ bền cao hơn, tiết kiệm điện năng tiêu thụ ít cũng là những yếu tố liên quan đến giá cả.

Thị trường hàng chính hãng cũng đã đủ các loại giá cả, mẫu mã, mà hàng giả cũng trà trộn trên thị trường không ít. Do nhu cầu tiêu thụ đầu thu DVB-T2 tăng lên đột biến khi Bộ TT&TT triển khai Đề án số hóa truyền hình, nên không ít người đã làm giả, làm nhái nhãn hiệu đầu thu truyền hình của một số nhà cung cấp chính hãng để bán ra thị trường.

Hưng Yên là điểm nóng của thị trường đầu thu truyền hình giả, đầu thu lậu. Hàng lậu tràn qua biên giới và tập trung ở một số “đầu nậu” ở Hưng Yên sau đó phân phối đi các tỉnh miền Bắc. Hàng giả cạnh tranh trực tiếp với hàng chính hãng vì giá rất rẻ, rẻ hơn hàng chính hãng trên dưới 100.000 đồng.

Về phía người dân, do không biết đó là hàng giả, với tâm lý thích hàng giá rẻ, cứ thu được nhiều kênh truyền hình là được nên nhiều người vẫn chọn loại hàng giả để mua. Thị trường hàng giả hoành hành đã làm thiệt hại rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng tới người dân. Khi đem về sử dụng nếu có phát sinh hỏng, cần sửa chữa hay bảo hành rất khó khăn.

Tại phiên họp Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình hôm 19/10 vừa qua, đại diện Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã kiểm tra trên thị trường hàng giả hàng lậu, đối với mặt hàng thiết bị điện tử đã thu giữ gần 550.000 thiết bị điện tử nói chung, trong đó có nhiều loại đầu thu truyền hình mặt đất. Do lực lượng quản lý thị trường khi đi làm không tách ra từng loại sản phẩm riêng mà kiểm tra nhãn mác, tiêu chuẩn kỹ thuật cho tất cả các thiết bị điện tử nói chung, không bóc tách ra riêng thiết bị truyền hình mặt đất riêng. Nhưng đại diện Quản lý thị trường cho hay, số lượng hàng giả, hàng nhái đối với đầu thu truyền hình mặt đất qua kiểm tra thu giữ không nhiều.

Các ý kiến tại phiên họp Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình cũng nhận định, trên thị trường vẫn còn tình trạng lưu hành đầu thu truyền hình số thuộc diện hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên cần có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa. Trong thời gian tới Bộ TT&TT, các Sở TT&TT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở Công thương để tiến hành rà soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Có thể bạn quan tâm