Nhận diện 3 xu hướng tác động mạnh đến nền kinh tế thời "hậu Covid-19"

Nhận diện 3 xu hướng tác động mạnh đến nền kinh tế thời
Tạp chí Nhịp sống số - Theo đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ba xu hướng sẽ tác động to lớn đến nền kinh tế là toàn cầu hóa (hoặc sự thoái lui của toàn cầu hóa), không tiếp xúc và giá trị sống.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Bàn tròn lần 2 về “Kinh tế số, Chuyển đổi số tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA", do Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam (EUD) phối hợp với VINASA và Eurocham tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 05/11/2020. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, cơ quan chính phủ, các quốc gia thành viên EU cũng như các hiệp hội, học viện và doanh nghiệp tại Việt Nam. 

Hội nghị Bàn tròn lần này thảo luận các chủ đề như thực trạng, cơ hội và thách thức từ kinh tế số và sự chuyển đổi số tại Việt Nam, cũng như vai trò của hiệp định EVFTA và những đóng góp tiềm năng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số và chuyển đổi số ở Việt Nam.

Cùng đó, các chuyên gia đã có một phiên thảo luận về “Kinh tế số ở Việt Nam và EVFTA: Tác động Tiềm năng, Các chính sách và Hành động Ưu tiên Nhằm Tối đa hóa Lợi ích”.

Theo ông Giorgio Aliberti - Đại sứ EU tại Việt Nam, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, tầm quan trọng của số hoá càng được nhấn mạnh. Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới và là một thị trường rất thu hút. 

"Tại Việt Nam ngày nay, chúng ta có thể mua bán qua mạng, làm các thủ tục nhanh chóng nhờ sự phát triển của kĩ thuật số. Với những thay đổi này, các quy trình sẽ ít phức tạp hơn, giảm thiểu thời gian. Và EVFTA chính là nền tảng rất tiềm năng để cùng chia sẻ những giá trị chung, không chỉ là lợi ích về kinh tế, mà còn là giải pháp để hai bên cùng thắng".

Đặc biệt, ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cũng chỉ ra ba xu hướng sẽ có tác động to lớn đến nền kinh tế là toàn cầu hóa (hoặc sự thoái lui của toàn cầu hóa), không tiếp xúc và giá trị sống. Theo ông, Việt Nam đang tiến tới một nền kinh tế không tiếp xúc và xu hướng này đã đang được thúc đẩy bởi COVID-19. Tuy nhiên, ngoài các công cụ chuyển đổi số hoá, cần phải có những thay đổi mạnh mẽ về tư duy để Việt Nam hình thành nền tảng cho sự phát triển trong một thế giới số hóa ở tương lai.

Đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cũng đã thảo luận về các chiến lược, chính sách nhằm tối đa hóa lợi ích của các hiệp định thương mại quốc tế như EVFTA, nhằm thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam. Đồng thời, Đại diện Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Bộ KH&CN chia sẻ ý kiến về việc tăng cường hợp tác công nghệ và kỹ thuật giữa Việt Nam và EU để có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế số và chuyển đổi số ở Việt Nam cũng như cải thiện sự hợp tác giữa EU Việt Nam. Các quan điểm về nền kinh tế số ở Việt Nam và ý định đầu tư vào nền kinh tế số ở Việt Nam cũng đã được trình bày bởi các diễn giả đến từ VINASA, VIDTI và EuroCham.

Trong những năm gần đây, nền kinh tế số của Việt Nam đã phát triển vượt bậc giúp Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh thứ hai ở Đông Nam Á. Nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam dự kiến sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA và tác động của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Bàn tròn được tổ chức nhằm thảo luận về những hành động phù hợp để Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều nhất từ chuyển đổi số trong những năm và thập kỷ tới.

Đây là sự kiện bàn tròn thứ hai trong số ba sự kiện bàn tròn được Phái đoàn tổ chức với sự hỗ trợ của Quỹ Thúc đẩy Quan hệ Đối tác EU-Việt Nam (EVPF) cho đến cuối năm 2020. Hội nghị cuối cùng sẽ tập trung vào nội dung Khu vực DNNVV và EVFTA, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 12/2020.

 

Có thể bạn quan tâm