Những "bí quyết" sinh tồn thời Covid của doanh nghiệp

Những
Tạp chí Nhịp sống số - Để đảm bảo sản xuất, kinh doanh liên tục, không bị gián đoạn, doanh nghiệp cần phải có “3 cần” và “3 không”. Đó là "bí quyết" được đúc rút từ Hội thảo trực truyến với chủ đề “Kinh doanh không gián đoạn - Kinh nghiệm và giải pháp sáng tạo”.

Hội thảo trực truyến với chủ đề “Kinh doanh không gián đoạn - Kinh nghiệm và giải pháp sáng tạo" diễn ra ngày 24/6 vừa qua, với dàn diễn giả là lãnh đạo các doanh nghiệp như FPT, Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Twitter Beans Coffee... nhằm chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp giúp kinh doanh không gián đoạn với hơn 300 khách tham dự.  

Covid-19, cơn "hồng thủy" có thể cuốn trôi nhiều doanh nghiệp chậm thay đổi

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 trở lại với nhiều tác động tiêu cực khôn lường, khiến doanh nghiệp Việt “mắc kẹt” trong bài toán quản trị, kinh doanh, đảm bảo sức khỏe người lao động. Riêng tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, trung bình mỗi tháng có tới 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Còn theo Báo cáo tác động của dịch Covid-19 với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) công bố mới đây cho thấy có tới 87,2% trong số 10.200 doanh nghiệp tham gia khảo sát chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” trước tác động của đại dịch. 

Các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch Covid-19 xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%) và chuỗi cung ứng (33%). 

Trong bối cảnh đó, theo ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT, “để đảm bảo kinh doanh liên tục phải có “3 cần” và “3 không”. Trong đó, 3 cần là cần đảm bảo dòng tiền, cần ứng dụng dụng công nghệ để triển khai cách làm mới và cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo tìm nguy trong cơ. Còn để có thể thay đổi sâu từ bên trong, doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ba “không”: Không bị động - Không gián đoạn - Không chạm. 

Cùng đó, ông Khoa đã chia sẻ về câu chuyện của chính Tập đoàn FPT. Với 9 đơn vị thành viên và 5 công ty liên kết, làm thế nào để Ban lãnh đạo Tập đoàn này có thể biết được số liệu kinh doanh tài chính ngay lập tức? Từ năm 2020, FPT đã tiến hành xây dựng hệ thống thu thập, phân tích báo cáo các dữ liệu tài chính – hồ dữ liệu. Đại dịch Covid-19 giúp FPT thêm quyết tâm và nỗ lực xây dựng data lake - một dự án vạch ra từ lâu nhưng chưa triển khai do có nhiều ưu tiên hơn. 

"Chúng tôi tin rằng hồ dữ liệu này sẽ cho chúng tôi bức tranh tài chính toản cảnh, phân tích dư liệu theo gần như thời gian thực. Mỗi buổi sáng có thể nhìn thấy dòng tiền của cả FPT trên 27 quốc gia và vùng lãnh thổ và của các cty thành viên, việc này giúp chúng tôi ra quyết định nhanh hơn. Quản trị dòng tiền và thông tin tài chính liên tục là một trong những điều cốt tử. Các anh chị nghĩ đây là hệ thống đồ sộ nhưng xin chia sẻ, dù là DN 5-10 người doanh thu 10 tỷ, 100 tỷ cũng đều có cách để làm. Quan trọng là là cách vận hành của lãnh đạo, hãy bắt đầu tư vấn đề của các bộ phận nghiệp vụ, chức năng" -  ông Khoa nói - "Với Quản trị dòng tiền, đưa số hóa vào sẽ nhìn thấy rõ hơn về bức tranh chung, dự báo nên làm gì trong thời gian tới. Biết được dòng tiền đến từ đâu và nghẽn ở đâu để đưa ra quyết định kịp thời. Tôi nhấn mạnh chữ kịp thời, vì nếu số liệu đến chậm có thể sẽ gây ra một số hậu quả".

Với bài toán chăm sóc khách hàng, FPT sử dụng nền tảng phân tích dữ liệu khách hàng Customer Insights Platform, và kết quả sau khi triển khai là: Chăm sóc chủ động, giữ chân tổng cộng khoảng 38.000 khách hàng, mang lại doanh thu 98,8 tỷ đồng; Giảm 35.000 cuộc gọi/tháng, giúp tiết kiệm thời gian gọi tổng đài và thời gian làm việc của 12 nhân sự/tháng.

Cùng đó, FPT xây dựng "Bộ Tổng tham mưu", cấp tập đoàn, đơn vị thành viên. Bộ Tổng tham mưu này là bước ngoặt và dấu ấn từ quản trị sang chỉ huy, trước đây mất một hai tháng hoặc nhanh cũng là một hai tuần để ra quyết định, nhưng giờ đây quyết định trong 24 tiếng. Sự thay đổi này đã giúp FPT ký được nhiều hợp đồng lớn ở Nhật, Mỹ pháp…ngay trong Covid... 

Còn rất nhiều con số ấn tượng nữa được đưa ra, và sau cùng ông Khoa chốt lại: "Đây là thời điểm tốt nhất để các anh/chị xem lại hệ thống quản trị của mình. Những chỗ nào có vấn đề, chỗ nào là điểm yếu thì phải quyết tâm để sửa và thay đổi. Đừng chần chờ nữa, để khi đại dịch qua đi quý vị có thể tăng trưởng".

Từ bị động đến chủ động thích ứng 

Đồng quan điểm với đại diện FPT, ông Nguyễn Hoàng Ngân - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) - cho rằng, mặc dù mỗi DN có những thách thức và khó khăn khác nhau, nhưng có một điểm chung là mọi thứ đều bất định.  

Ông Ngân cho biết: "Các nhà máy của BMP đều nằm trong Khu công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm bị tác động bởi các quyết định của Chính phủ, địa phương về phòng chống dịch. Về yếu tố mà tôi tạm gọi là ít chạm thì chúng tôi chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất liên quan đến nhân viên, cố gắng làm sao số hóa được dữ liệu nhân viên và chủ động giám sát hoạt động của họ dựa trên thiết bị di động cá nhân, dựa trên bản đồ, khoanh vùng, dựa trên các công cụ của chính quyền để đảm bảo an toàn cho người lao động. 

Hoạt động sản xuất của BMP đã nhiều năm rồi được tự động hóa, hạn chế việc phải sử dụng quá nhiều lao động. BMP đang tiến từ tự động hóa thiết bị, từng dây chuyền, từng công đoạn để tiến tới tự động hóa nhà máy. Chúng tôi gần như đã tự động hóa hoàn toàn nhà máy ở Bình Dương. Nếu không có covid thì dự án tự động hóa nhà máy ở Long An đã hoàn thành rồi. Hy vọng trong năm nay có thể hoàn thành.

Giao tiếp không tiếp xúc liên quan đến quy trình trong cty, khách hàng, nhiều năm qua đã cố gắng thực  hiện. BMP đã chuẩn bị và tích hợp giải pháp ERP cách đây 5 năm. Đã định hướng Các hoạt động để tự động hóa dữ liệu, toàn bộ các hoạt động liên quan đến khách hàng như đặt hàng qua mạng, hóa đơn điện tử, quản lý quan hệ khách hàng cũng đều đã thực hiện và hiện đã tương tác với khách hàng qua phần mềm này. Trong nội bộ, tương tác với nhận viên từ xa, tối thiểu 50% làm việc từ xa. Cố gắng dựa trên các công cụ công nghệ để tạo ra cái gọi là ít bị động".

Năm 2020, slogan của BMP là chủ động thích ứng. Năm 2021, công ty có slogan linh hoạt ứng phó để vượt lên thách thức. "Chúng ta không thể chắc chắn điều gì xảy ra. Chỉ có thể thường xuyên theo dõi tình hình chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó. Bất kỳ lúc nào các giải pháp cũng có thể  bị lạc hậu, tình huống có thể thay đổi, sự linh hoạt ứng phó để vượt lên thách thức là điều mà BMP đã chia sẻ với toàn bộ người lao động", ông Ngân cho biết.

Với yếu tố ít gián đoạn, đại diện BMP cho biết, Công ty đã thiết lập những "hàng rào" để đối phó với Covid-19, cho phép nhân viên làm việc tại nhà nhưng thu nhập không ảnh hưởng. Nhờ đó, năm 2020 vẫn tăng được doanh thu 8%, lợi nhuận 24%, tăng thị phần 2%… đồng thời giữ vững thị phần, khẳng định được vị thế, thương hiệu, vai trò của Bình Minh trên thị trường. 

Và qua 6 tháng đầu năm 2021, vẫn đảm bảo an toàn cho CBNV, duy trì tốt hoạt động kinh doanh. Khó khăn lớn nhất hiện nay không phải từ dịch Covid-19 mà từ việc giá cả của các yếu tố đầu vào tăng quá nhanh, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến yếu tố về cung ứng đầu vào bị ảnh hưởng. 

Có thể bạn quan tâm

Trong bối cảnh doanh thu viễn thông của nhà mạng nói chung suy giảm 5-10% trong năm 2023, riêng mảng viễn thông di động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn giữ được tăng trưởng 0,8%.