Chuyển giao nguyên trạng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội quản lý

Tạp chí Nhịp sống số - Từ ngày 1/8/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển giao nguyên trạng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về UBND TP. Hà Nội. Thời hạn bàn giao và tiếp nhận là 6 tháng tính từ thời điểm bắt đầu bàn giao...

Ngày 1/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội quản lý.

Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện bàn giao và UBND Thành phố Hà Nội thực hiện tiếp nhận: tổ chức và hoạt động, các nhiệm vụ, công việc đã và đang thực hiện, tài chính, tài sản công, dự án đầu tư công từ Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, các đơn vị trực thuộc (các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ ủy quyền cho Ban Quản lý là cơ quan đại diện chủ sở hữu); quyền đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nêu trên.

Sau khi Nghị quyết được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, về tổ chức bộ máy, hoạt động và nhân sự, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức quy định tại Quyết định số 09/2019/QĐ-TTg ngày 15/2/2019 của Thủ tướng.

Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, các văn bản phân cấp, ủy quyền của các cơ quan chức năng, tiếp tục sử dụng con dấu hiện nay cho đến khi UBND Thành phố Hà Nội hoàn thành việc tiếp nhận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Ban Quản lý được cấp có thẩm quyền ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo quy định.

Bảo đảm hoạt động ổn định của các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Ban Quản lý đang được Bộ Khoa học và Công nghệ ủy quyền là cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Chuyển giao nguyên trạng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội quản lý

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục sử dụng kinh phí và triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch ngân sách đã được phê duyệt cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về điều chỉnh nguồn kinh phí hoạt động.

Thực hiện rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban Quản lý để bố trí công việc phù hợp với năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và yêu cầu của vị trí việc làm, bảo đảm đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và công tác quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc của UBND Thành phố Hà Nội.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Ban Quản lý tiếp tục được hưởng hệ số điều chỉnh mức lương tăng thêm theo Quyết định số 11/2021/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Lãnh đạo Ban Quản lý và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo như hiện nay cho đến hết thời hạn bổ nhiệm chức vụ.

Tại buổi họp họp báo thường kỳ mới đây, Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Bộ đã thống nhất với UBND Thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định việc chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội để thuận lợi cho quá trình này, không làm ảnh hưởng gián đoạn hoạt động của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng như hoạt động của khu khi thay đổi chủ thể quản lý.

Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND Thành phố Hà Nội, Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã rà soát các nội dung công việc có liên quan, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể tiến hành bàn giao ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về UBND Thành phố Hà Nội quản lý.

Khi Hà Nội tiếp nhận khu công nghệ cao và giữ nguyên được tinh thần phát triển công nghệ lõi, sẽ có đầu tư thêm về giao thông công cộng thuận lợi hơn cũng như phát triển đô thị xung quanh, thành một khu đô thị khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục. Việc khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội có thể sẽ giải quyết được một số khó khăn trong thời gian qua, thuận lợi hơn cho phát triển.

Theo thống kê, Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc hiện đã thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 85.602 tỷ đồng và 702,57 triệu USD trên tổng diện tích khoảng 380 ha.

Trong 106 dự án của nhà đầu tư, có 60 dự án đang hoạt động, góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động. Trong năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động tại khu đạt khoảng 18.000 tỷ đồng và nộp ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm