Fintech - thế lực mới nổi của ngành Tài chính - Ngân hàng

Fintech - thế lực mới nổi của ngành Tài chính - Ngân hàng
Tạp chí Nhịp sống số - Hiện có khoảng 3.500 công ty Fintech trên thế giới. Theo nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG), gần 53 tỷ USD được dành cho các Fintech. Những công ty này hỗ trợ rất nhiều ngành nghề, trong đó lĩnh vực tài chính - ngân hàng được hưởng lợi nhiều nhất.

Ví điện tử, xu thế công nghệ, tài chính ngân hàng, Xu thế thị trường, fintech, blockchain,

Cùng đó, Blockchain đang là chủ đề nóng nhất trong làng công nghệ, tuy nhiên Blockchain chỉ là một phần của Fintech.

Dựa trên công nghệ Blockchain, các đồng tiền kỹ thuật số đã được phát minh, điển hình là đồng Bitcoin, Ethereum, Zcash, Monero... đã tạo nên xu hướng đầu cơ, giao dịch tiền ảo với vốn hóa thị trường lên đến hàng trăm tỷ USD.

Xu hướng Fintech đã đem đến rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, các công ty khởi nghiệp, các ngân hàng, tổ chức tài chính một mô thức mới trong kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều thách thức phía trước như hành lang pháp lý, sản phẩm, vốn đầu tư, thị trường, cách tiếp cận khách hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực Fintech cần vượt qua....

Ứng dụng của Blockchain là khá đa dạng, tác động đến hầu hết lĩnh vực hoạt động của ngành tài chính - ngân hàng, như tiền gửi,  thanh toán và chuyển tiền, bảo hiểm, tín dụng tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ, quản trị rủi ro, an toàn bảo mật, tài trợ thương mại, bao thanh toán, giao dịch ngoại hối, giao dịch chứng khoán; các dịch vụ hỗ trợ khác như nhận biết khách hàng, phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

Nhiều ngân hàng lớn trên thế giới như Morgan Stanley, Barclays, Goldman Sachs, BNY Mellon, JP Morgan Chase, HSBC... đang áp dụng công nghệ Blockchain trong kinh doanh và xu hướng này ngày một tăng. Điển hình là Barclays tiến hành một giao dịch đột phá (liên quan đến xuất khẩu bơ) bằng việc sử dụng công nghệ Blockchain vào năm 2016.

Ngân hàng Wells Fargo và Commonwealth Bank of Australia đã sử dụng công nghệ Blockchain để xử lý và thực hiện các giao dịch liên quan đến xuất khẩu bông vải từ Mỹ sang Trung Quốc. Hãng IBM đang xây dựng công nghệ Blockchain dành riêng cho bảy ngân hàng lớn nhất châu Âu, gồm Deutsche Bank, HSBC, KBC, Natixis, Rabobank, Societe Generale và Unicredit để tăng hiệu quả giao thương quốc tế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với các giao dịch trên thị trường tài chính, trong tháng 6/2017, Hãng Daimler của Đức sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz hợp tác với Landesbank Baden-Wurttemberg đã phát hành 100 triệu euro trái phiếu doanh nghiệp dựa trên công nghệ Blockchain. Công nghệ Blockchain sẽ tự động hóa toàn bộ quá trình từ lập và thực thi hợp đồng đến xác nhận trả nợ và trả lãi của tổ chức phát hành và trái chủ.

Có thể thấy, Fintech là nơi dịch vụ tài chính và công nghệ giao thoa. Tại đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tận dụng sức mạnh của công nghệ để tạo ra sự thay đổi, trải nghiệm mua sắm hoàn toàn mới cho khách hàng về các sản phẩm và dịch vụ của các công ty dịch vụ tài chính cung cấp.

Bên cạnh đó, Fintech cũng giúp doanh nghiệp tài chính truyền thống tiết kiệm chi phí và tạo ra một kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả trong bối cảnh sự thống trị của công nghệ đã thay đổi rất lớn hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Đây là xu hướng tất yếu và là một phần của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mở ra một kỷ nguyên mới không chỉ của ngành tài chính - ngân hàng mà còn là của các ngành nghề, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Việt Nam với hơn 90 triệu dân, phần lớn là người trẻ, 80 - 90% dân số sử dụng internet, smartphone và mạng xã hội nhưng chỉ có 30% dân số sử dụng thẻ ngân hàng và 3% sử dụng thẻ tín dụng. Đây chính là một thị trường vô cùng tiềm năng để các doanh nghiệp Fintech, các công ty khởi nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, bắt kịp với xu hướng của thế giới.

Trong 5 năm trở lại đây, starup trong các loại hình Fintech đã xuất hiện những tên tuổi như FundStart, Comicola, Betado, FirstStep (gọi vốn), Momo, Moca, ECPay, Mobivi,VT Pay, VNPay, 123Pay, Payoo, Napas, PeaceSoft, VTC Pay, Smartlink, WePay, Ví FPT (dịch vụ thanh toán), LoanVi, Trust Circle (dịch vụ cho vay trực tuyến), BankGo, Moneylover, Mobivi, remit.vn (chuyển tiền), F88 (quản lý dữ liệu tài chính cá nhân, cầm đồ online), Robo Invest (đầu tư tự động), sàn Bitcoin, Blockchain...

Các "ông lớn" trong ngành công nghệ của Việt Nam cũng không đứng ngoài "cuộc chơi" Fintech. Cuối tháng 12/2016, Zion - công ty con của VNG ra mắt ví điện tử ZaloPay hoạt động song song với cổng thanh toán 123pay trước đó, tích hợp cộng đồng 70 triệu người dùng chat Zalo. Vietnam eSports của dịch vụ chơi game  Garena đã cho ra mắt ví điện tử TopPay với hơn 20.000 điểm giao dịch trên toàn quốc và số lượt tải về TopPay trên Play Store vượt ngưỡng 100.000.

Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Lienvietpostbank cung cấp dịch vụ Ví Việt cho phép khách hàng gửi, rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ và sử dụng các dịch vụ khác do LienVietPostBank cung ứng qua internet, điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử. Đối với lĩnh vực chứng khoán, Techcom Securities cung cấp Robo Advisor với công cụ TCWealth, với mỗi kế hoạch tài chính, TCWealth sẽ mô tả dòng tiền chi tiết, đưa ra thông tin cá nhân như thu nhập hằng tháng, thời gian muốn đầu tư...

Về mặt pháp lý trong lĩnh vực Fintech, từ năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nhiều công ty không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép hoạt động cho 20 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Tuy nhiên việc này về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực công nghệ tài chính trong thanh toán, chưa có khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các lĩnh vực tài chính khác.

Có thể bạn quan tâm

Liên tục ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), MoMo đã đạt được nhiều thành tựu đột phá trong việc thúc đẩy chuyển đổi số cho đất nước. Nhờ đó, Fintech này tiếp tục có mặt trong “Top 10 Sao Khuê” năm thứ hai liên tiếp.