17,4% dân số tại Việt Nam sở hữu tài sản mã hóa

Tạp chí Nhịp sống số - Một số nghiên cứu, khảo sát cho rằng người dân tại Việt Nam sở hữu tài sản mã hóa đạt 17,4% dân số.

Chiều 28/8 tại TP.Đà Nẵng, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo góp ý xây dựng khung pháp lý tài sản số lần 7 với chủ đề "Vai trò của cộng đồng trong giám sát tuân thủ quy định pháp lý".

xây dựng khung pháp lý tài sản số

Đây là một trong các hoạt động nhằm hướng đến xây dựng các quy định pháp luật về vấn đề, lĩnh vực mới tại Việt Nam, đó là tài sản số, mà phổ biến thường được biết đến với tên gọi tiền ảo.

Tại Việt Nam, báo cáo của Chainalysis chỉ ra dòng tiền mã hóa về Việt Nam đã đạt mức 120 tỉ USD/năm, tương đương gần 30% GDP với số lượng người dân sở hữu tài sản mã hóa đạt 17,4%, đứng thứ 7 thế giới.

Trong khi đó, do thiếu cơ sở pháp lý để quản lý thị trường này nên thực tế cho thấy nhiều hệ lụy đang diễn ra như lừa đảo, trốn thuế/thất thu thuế, huy động vốn trái phép... khiến nhà đầu tư bị thiệt hại nghiêm trọng.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho rằng, hiện tài sản số đang ở "vùng xám", tức chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, nên quy tắc đạo đức và tiêu chuẩn cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng trong lĩnh vực này.

"Đặc biệt, với các đặc tính như xuyên biên giới, hoạt động 24/7 và khả năng thanh khoản nhanh, tài sản số thường bị lợi dụng để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, trốn thuế... nên cần sớm có khung pháp lý chặt chẽ. Nếu như quy định pháp luật về tài sản số giúp đảm bảo sự tuân thủ, nghiêm minh và bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên tham gia thì quy tắc đạo đức, tiêu chuẩn cộng đồng sẽ giúp củng cố niềm tin và thúc đẩy sự thực thi quy định pháp lý từ chính nội tại cộng đồng" - ông Phan Đức Trung nói.

Có thể bạn quan tâm