25% phần mềm trong các ngành ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm không có bản quyền

25% phần mềm trong các ngành ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm không có bản quyền
Tạp chí Nhịp sống số - Đây là thông tin được đưa ra từ báo cáo khảo sát mới nhất về phần mềm toàn cầu năm 2016 vừa được Liên minh phần mềm BSA công bố tại Singapore.

Báo động tình trạng sử dụng phần mềm không bản quyền trong ngân hàng

Cụ thể, báo cáo khảo sát mới nhất về phần mềm toàn cầu năm 2016 vừa được Liên minh phần mềm BSA công bố tại Singapore cho biết: có đến 25% số phần mềm không có bản quyền được sử dụng trong những ngành có mức độ bảo mật cao, đòi hỏi phải sử dụng phần mềm có bản quyền như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán... Đây là tỷ lệ tương đối cao đồng nghĩa với việc rủi ro luôn thường trực đối với những khách hàng đang sử dụng các dịch vụ này.

Và vụ việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong mới đây bị hacker "hỏi thăm" và suýt lấy đi hơn 1 triệu USD đã một lần nữa gióng lên hồi chuông về vấn đề an ninh mạng trong những lĩnh vực "đặc biệt nhạy cảm".

Ông Tarun Sawney - Giám đốc cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương của BSA - nhấn mạnh: rõ ràng nếu sử dụng phần mềm không có bản quyền, nhiều khả năng máy tính sẽ bị tấn công bởi các phần mềm có mã độc. Ông cũng khuyến cáo các tổ chức trước hết cần sử dụng các phần mềm có bản quyền có khả năng cập nhật những phiên bản vá lỗi nhằm chống lại phần mềm có mã độc, phòng ngừa bị tấn công trên mạng.

Khi sử dụng phần mềm không bản quyền, nguy cơ gặp phải mã độc sẽ tăng cao, trong khi chi phí để xử lý những mã độc đó là rất lớn. Chẳng hạn, chỉ tính riêng năm 2015, các cuộc tấn công mạng đã làm tiêu tốn của doanh nghiệp tới hơn 400 tỷ USD.

Theo ông Sawney, tại Việt Nam, tuy đã có sự cải thiện về việc sử dụng phần mềm, song việc vi phạm bản quyền vẫn còn khá cao. Thống kê của BSA cho thấy nếu năm 2005, tỷ lệ vi phạm bản quyền là 90%, năm 2009 con số này đã giảm xuống 85%, năm 2010 là 83% và đến năm 2011, 2013 đã giảm xuống còn 81%. Năm ngoái, tỷ lệ này là 78%, giảm ba điểm phần trăm so với trước đó.

Tỷ lệ vi phạm bản quyền trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn ở mức cao nhất trên toàn cầu với 61%, Việt Nam đang là 78%.

Theo kết quả khảo sát của BSA, 39% các phần mềm cài đặt trên máy tính toàn thế giới năm 2015 không có giấy phép hợp lệ, giảm khiêm tốn từ mức 43% theo nghiên cứu toàn cầu của BSA thực hiện năm 2013.

 

Có thể bạn quan tâm