Cơ quan Nhà nước phải gửi văn bản điện tử ngay trong ngày ký ban hành
Ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 28 quy định việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Quyết định áp dụng với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc (gọi chung là bộ, ngành, địa phương).
Theo Quyết định 28, văn bản điện tử phải được bảo đảm tính xác thực về nguồn gốc, sự toàn vẹn, an toàn thông tin, dữ liệu trong quá trình gửi, nhận, xử lý và lưu trữ; phải được gửi ngay trong ngày văn bản đó ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng của ngày làm việc tiếp theo.
Văn bản điện tử đến sau khi được tiếp nhận, nếu bảo đảm giá trị pháp lý phải được xử lý kịp thời, không phải chờ văn bản giấy (nếu có). Trường hợp văn bản điện tử thuộc loại khẩn phải được đặt ở chế độ ưu tiên ghi rõ mức độ khẩn, gửi ngay sau khi đã ký số và phải được trình, chuyển giao xử lý ngay sau khi tiếp nhận.
Việc gửi, nhận văn bản điện tử phải thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 5 của Luật giao dịch điện tử và phải tuân theo các quy định khác của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh, an toàn thông tin và văn thư, lưu trữ.
Quyết định 28 cũng quy định rõ, văn bản điện tử đã ký số theo quy định của pháp luật được gửi, nhận thông qua hệ thống QLVB&ĐH quy định tại Quyết định này có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy và thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy.
Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 6/9/2018.
Sử dụng chữ ký điện tử tham gia Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng
Thông tư 37 quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (TTLNH) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành ngày 30/12/2016.
Quy định việc quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống TTLNH để thực hiện việc thanh toán và quyết toán giữa các đơn vị tham gia hệ thống thanh toán này bằng Đồng Việt Nam (VND), Đô la Mỹ (USD), Đồng tiền chung Châu Âu (EUR) và các loại ngoại tệ khác do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ, Thông tư 37 của NHNN được áp dụng với thành viên, đơn vị thành viên, thành viên gián tiếp của Hệ thống TTLNH, đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH, tổ chức chủ trì hệ thống bù trừ có kết nối đến Hệ thống TTLNH, các đơn vị liên quan của NHNN.
Đáng chú ý, tại Thông tư này, NHNN quy định cụ thể việc cấp phát, quản lý và sử dụng chữ ký điện tử (CKĐT) tham gia Hệ thống TTLNH. Theo đó, CKĐT được chia làm 4 loại: CKĐT của người lập lệnh; CKĐT của người kiểm soát lệnh; CKĐT của người duyệt lệnh và CKĐT của người duyệt truyền thông.
Theo quy định tại Thông tư 37 của Ngân hàng Nhà nước về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia có hiệu lực từ ngày 1/9/2018, chữ ký điện tử tham gia Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia phải được phân cấp quản lý và sử dụng (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
CKĐT được phân cấp quản lý và sử dụng, cụ thể: công cụ và phương tiện tạo CKĐT của người lập lệnh và người kiểm soát lệnh do thành viên, đơn vị thành viên tự cấp phát và quản lý theo quy trình xử lý tại từng đơn vị; khóa bí mật tạo CKĐT của người duyệt lệnh và chữ ký điện tử truyền thông được NHNN cấp theo quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của NHNN. Người được giao quản lý, sử dụng CKĐT, khóa bí mật phải bảo đảm bí mật và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để lộ CKĐT, khóa bí mật gây thiệt hại. Việc tổ chức phân quyền người lập lệnh, người kiểm soát lệnh và người duyệt lệnh tại các thành viên, đơn vị thành viên do người có thẩm quyền của đơn vị quy định, đảm bảo nguyên tắc người lập lệnh độc lập với người kiểm soát lệnh và người duyệt lệnh.
Ngày 29/12/2017, NHNN đã ban hành Thông tư 23 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37. Theo đó, thời điểm Thông tư 37 có hiệu lực thi hành đã được lùi từ ngày 15/1/2018 như quy định cũ sang ngày 1/9/2018.
Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công
Thông tư 67 hướng dẫn việc quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về tài sản công được Bộ Tài chính ban hành ngày 6/8/2018. CSDLQG về tài sản công là tập hợp các dữ liệu về tài sản công được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử. CSDLQG được xây dựng thống nhất trong phạm vi cả nước; có chức năng tổng hợp số lượng, giá trị, cơ cấu phân bổ toàn bộ tài sản công của quốc gia.
Về khai thác, sử dụng thông tin, Thông tư 67 quy định, Bộ Tài chính được khai thác thông tin về tài sản công của cả nước trong CSDLQG. Các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh có quyền khai thác thông tin tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong CSDLQG. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản kê khai trong CSDLQG có quyền khai thác thông tin tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đơn vị trực thuộc (nếu có) trong CSDLQG.
Việc phân quyền khai thác thông tin tài sản công cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 3 Điều này do Thủ trưởng cơ quan tài chính của Bộ, cơ quan trung ương, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Thông tin lưu giữ trong CSDLQG được sử dụng theo quy định tại Điều 129 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh ban hành Quy chế phối hợp cung cấp thông tin để kiểm tra, đối chiếu kết quả đăng nhập dữ liệu tài sản công vào CSDLQG và sử dụng thông tin lưu giữ trong CSDLQG vào các mục đích được quy định tại khoản 5 Điều này.
Thông tư 67 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/9/2018.
Trường đại học phải công khai trên website chất lượng giáo dục thực tế
Thông tư 15 quy định sử dụng thư điện tử và trang thông tin điện tử của các trường đại học, cao đẳng sư phạm được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 27/7/2018. Theo đó, về thư điện tử, Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm cung cấp miễn phí thư điện tử tên miền riêng (gồm địa chỉ và không gian lưu trữ) cho các đơn vị trực thuộc, cán bộ quản lý, giảng viên; khuyến khích cung cấp thư điện tử cho nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên phục vụ công tác quản lý, điều hành và giao dịch trên môi trường mạng.
Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng thư điện tử của cơ sở giáo dục đại học gồm tối thiểu các quy định về cung cấp, quản trị thư điện tử; nội dung thông tin gửi, nhận qua thư điện tử; quy định trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân khi sử dụng thư điện tử. Việc quản lý, quản trị, vận hành hệ thống thư điện tử tại cơ sở giáo dục đại học được giao cho một đơn vị thực hiện.
Bộ GD&ĐT thiết lập nhóm thư điện tử dùng chung để trao đổi thông tin giữa Bộ với các cơ sở giáo dục đại học. Các nhóm thư điện tử dùng chung do Bộ GD&ĐT cung cấp và quản lý gồm: nhóm thư điện tử của thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học (Hieutruong.Daihoc@moet.gov.vn); nhóm thư điện tử của văn thư các cơ sở giáo dục đại học (Vanthu.Daihoc@moet.gov.vn). Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm liên hệ với Bộ GD&ĐT (Cục CNTT) để đăng kí, cập nhật kịp thời địa chỉ thư điện tử của thủ trưởng và bộ phận văn thư vào nhóm thư điện tử dùng chung.
Đối với website của các trường đại học, cao đẳng sư phạm, bên cạnh các yêu cầu về kỹ thuật và công nghệ, Thông tư 15 của Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ những thông tin các cơ sở giáo dục phải được cung cấp, cập nhật và đăng tải công khai trên trang web trường như: thông tin chung về tổ chức, hành chính; thông tin tuyển sinh các trình độ đào tạo của trường; thông tin kiểm định chất lượng giáo dục, cấp văn bằng, chứng chỉ; niên giám thống kê về giáo dục; và đặc biệt là các thông tin công khai với cơ sở giáo dục đại học bao gồm thông tin cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và thông tin thu chi tài chính.
Thông tư 15 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ 11/9/2018.
Thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng cho ươm tạo công nghệ, đổi mới công nghệ
Ngày 31/7/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 30 quy định trình tự, thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới công nghệ; phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư.
Theo đó, để xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, tổ chức, cá nhân cần lập 1 bộ hồ sơ theo quy định của Điều 2 Quyết định này gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về UBND tỉnh, thành phố nơi có dự án, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN hoặc về bộ chủ quản dự án, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN (trong trường hợp có bộ chủ quản). Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ và thông báo cho tổ chức, cá nhân nếu hồ sơ không hợp lệ, cần bổ sung hoặc sửa đổi. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có văn bản trả lời tổ chức, cá nhân trong đó xác định rõ danh mục hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; trường hợp từ chối xác nhận phải có văn bản nêu rõ lý do. Cơ quan có thẩm quyền có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân về việc gia hạn thời gian trả lời trong trường hợp phải thẩm tra hồ sơ theo quy định.
Để xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho đổi mới công nghệ, tổ chức, cá nhân lập 1 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 2 Quyết định này gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ KH&CN. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ KH&CN xem xét hồ sơ và thông báo cho tổ chức, cá nhân nếu hồ sơ không hợp lệ, cần bổ sung hoặc sửa đổi. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ KH&CN có văn bản trả lời tổ chức, cá nhân trong đó xác định rõ danh mục hàng hóa sử dụng trực tiếp cho đổi mới công nghệ; trường hợp từ chối xác nhận phải có văn bản nêu rõ lý do. Bộ KH&CN có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân về việc gia hạn thời gian trả lời trong trường hợp phải thẩm tra hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này.
Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ 15/9/2018.