5G sẽ thực sự bùng nổ tại Việt Nam vào năm 2023

5G sẽ thực sự bùng nổ tại Việt Nam vào năm 2023
Tạp chí Nhịp sống số - Đó là dự báo được ông Bùi Sơn Nam - Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Viễn thông Mobifone - đưa ra trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề hội thảo Viễn thông Băng rộng di động và cố định năm 2021 (World Mobile Broadband & ICT) được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Năm nay, World Mobile Broadband & ICT tập trung trao đổi 2 vấn đề được xem là điểm nóng ngành Viễn thông và CNTT là phát triển 5G và chuyển đổi số lên nền tảng đám mây. Có thể nói, sau khoảng thời gian thử nghiệm vào cuối năm 2020, các nhà mạng lớn ở Việt Nam đều háo hức và có những bước chuẩn bị cụ thể cho việc từng bước thương mại hóa mạng 5G ở Việt Nam. Cùng với đó là những "rào cản" và thách thức nhất định. 

Xung quanh vấn đề này, bên lề sự kiện, ông Bùi Sơn Nam  Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty viễn thông Mobifone - đã chia sẻ một số thông tin cùng báo chí. 

Sau quá trình triển khai thử nghiệm phát sóng mạng 5G, theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất cho đơn vị khi triển khai phát sóng rộng rãi và thương mại hóa?

Có thể thẩy, việc triển khai 5G ở Việt Nam vẫn trong giai đoạn ban đầu, do đó việc triển khai 5G sẽ có một số khó khăn như giá thiết bị, dịch vụ cao, số lượng thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G còn hạn chế, giá thành cao nên chưa phổ biến, vùng phủ sóng còn nhỏ hẹp… Bên cạnh đó thì hiện tại, băng tần số để triển khai 5G tại Việt Nam vẫn chưa được hoạch định rõ ràng gây ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư lâu dài của các doanh nghiệp trong việc phủ sóng toàn quốc.

Theo ông Bùi Sơn Nam, đến năm 2022, MobiFone sẽ triển khai 5G tại các trung tâm văn hóa, chính trị và du lịch, các khu công nghiệp lớn... có đông dân cư và tỷ lệ người dùng cao

Để vượt qua những khó khăn như vậy, ông có đề xuất hay hướng giải quyết gì? Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần hỗ trợ nhà mạng những gì? Về phía các đơn vị cung cấp công nghệ, cần thực hiện những giải pháp gì?

Theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước sớm có kế hoạch cấp phép tần số để triển khai 5G. Cần đa dạng hóa cũng như giảm giá thành thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G. Về phía các công ty công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu triển khai các giải pháp trong nông nghiệp thông minh, hội nghị trực tuyến, giáo dục từ xa, tự động hóa trong công nghiệp… trên nền tảng 5G. Để thúc đẩy các dịch vụ thông minh dựa trên nền tảng 5G, cần xây dựng một hệ sinh thái đa kết nối, qua đó giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ cũng như giải quyết nhu cầu của mọi người trong công việc cũng như giải trí hàng ngày.

Ông dự báo thế nào về sự phát triển 5G tại Việt Nam trong năm 2021 này? Và đâu là thời điểm mà 5G có thể thực sự phát triển bùng nổ tại nước ta? 

Tại Việt Nam, trong năm 2021 thị trường 5G vẫn đang trong giai đoạn bước đầu thử nghiệm, nghiên cứu thị trường. Thời điểm có thể thực sự phát triển bùng nổ tại Việt Nam sẽ rơi vào khoảng năm 2023-2024.

Định hướng phát triển 5G của đơn vị trong năm 2021?

Năm 2021, MobiFone sẽ tiếp tục triển khai thử nghiệm thương mại 5G tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời nghiên cứu, bổ sung cung cấp một số dịch vụ mới của 5G cho khách hàng.

Đến 2022, MobiFone sẽ triển khai 5G tại các trung tâm văn hóa, chính trị và du lịch, các khu công nghiệp lớn của cả nước tập trung đông dân cư và có tỷ lệ người sử dụng các dịch vụ công nghệ di động và internet công nghệ cao … MobiFone đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cũng như nhân sự để sẵn sàng triển khai 5G ngay khi được cấp phép chính thức từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Mục tiêu đến 2025, MobiFone sẽ triển khai phủ sóng 5G toàn quốc.

Một điểm nhấn khác trong chương trình hội thảo là lễ vinh danh Nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng di động, cố định & điện toán đám mây tiêu biểu năm 2021. Cơ sở để vinh danh các đơn vị trên là chương trình khảo sát Mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ viễn thông do IDG Việt Nam phối hợp với Hội Vô tuyến điện tử, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức. Chương trình khảo sát diễn ra từ ngày 1/1 đến 6/3 tại 11 tỉnh, thành tại Việt Nam, thu được hơn 8.400 mẫu khảo sát cá nhân sử dụng dịch vụ băng rộng di động, cố định và 300 mẫu khảo sát doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên có tới 90% số phiếu khảo sát được thực hiện dưới hình thức online. Kết quả, có 8 giải thưởng được trao cho 6 đơn vị cung cấp dịch vụ băng rộng di động, cố định và điện toán đám mây tại Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm