Không ít người dùng thẻ hiện nay gặp rủi ro từ việc giao dịch qua
Đăng ký SMS hoặc email để báo giao dịch
SMS Banking là dịch vụ tin nhắn do ngân hàng cung cấp cho người dùng khi đến mở tài khoản giao dịch. Sau khi đã đăng ký dịch vụ này, khách hàng sẽ nhận được tin nhắn thông qua số điện thoại di động đã đăng ký với ngân hàng khi phát sịnh giao dịch trong quá trình sử dụng thẻ thanh toán tại các đơn vị bán lẻ như nhà hàng hay trung tâm thương mại. Mục tiêu là nhằm kiểm tra các thông tin giao dịch kịp thời sau khi khách quẹt thẻ ngay tại địa điểm giao dịch, đặc biệt là kiểm tra số dư trên tài khoản sau giao dịch.
Do đó, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thẻ, khách hàng nên đăng ký sử dụng dịch vụ biến động số dư qua SMS (phí dưới 10.000 đồng một tháng) để thuận tiện theo dõi các giao dịch thực hiện từ thẻ của mình. Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng thông báo số dư, địa điểm và thời gian giao dịch thông qua email đã đăng ký với ngân hàng, thông thường là ngân hàng sẽ không tính phí dịch vụ này.
Bên cạnh đó, khách cũng có thể kiểm tra số dư sau giao dịch bằng các phần mềm mà ngân hàng cung cấp khi khách hàng sử dụng điện thoại di động (phần mềm được tải xuống miễn phí và phí dịch vụ cũng thường là miễn phí).
Giám sát quá trình quẹt thẻ
Với các giao dịch thanh toán tại chỗ, hiện nay ở hầu hết siêu thị, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại… nhân viên thu ngân không đưa máy cho khách hàng tự quẹt mà họ sẽ trực tiếp cầm thẻ và thực hiện giao dịch. Việc này tiềm ẩn nguy cơ gian lận lớn, nhân viên đó có thể chụp lại thông tin thẻ bất cứ lúc nào, vì chỉ cần thông tin về tên chủ thẻ, số thẻ, ngày bắt đầu, ngày hết hạn sử dụng thẻ và số CVV/CVC trên thẻ là có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Trên thực tế, nhiều chủ thẻ cũng đã bị mất tiền cho dù đã tuân thủ quy trình sử dụng thẻ an toàn. Vì vậy, khi sử dụng thẻ để thanh toán mua hàng, dịch vụ, chủ thẻ nên quan sát trực tiếp việc nhân viên quẹt thẻ và không nên giao thẻ cho họ tự đi đến nơi đặt máy POS để quẹt thẻ cũng như yêu cầu các nhân viên này thanh toán bằng máy đầu đọc chip của thẻ nếu thẻ của khách hàng là thẻ chip và kiểm tra các thông tin trên phiếu giấy được in ra từ máy POS.
Trong quá trình thanh toán thẻ qua máy POS, nếu nhập sai số PIN hoặc trong thẻ không còn đủ hạn mức thì máy sẽ báo thông qua một phiếu giấy nhỏ (sale slip) được in ra từ máy POS có kích cỡ bằng một phần ba so với phiếu thông thường (khi ngân hàng đã duyệt giao dịch). Do đó, khách hàng cần để thẻ thanh toán trong tầm mắt của mình và kiểm tra các thông tin trên khi thực hiện giao dịch tại các máy POS.
Sử dụng dịch vụ khoá hoặc mở thẻ của ngân hàng
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã cho phép người sử dụng gọi điện thoại đến tổng đài của trung tâm thẻ để thực hiện dịch vụ khoá thẻ khi chưa có nhu cầu giao dịch và mở lại thẻ khi cần giao dịch.
Do đó, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, khách hàng cần phối hợp cung cấp thông tin đầy đủ đến mức cao nhất cho ngân hàng để được khoá/mở thẻ kịp thời và tiện ích.
Thường xuyên cập nhật thông báo của ngân hàng về rủi ro thanh toán thẻ
Để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra với tài khoản của khách hàng, gần đây các ngân hàng thương mại thường xuyên đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo khách hàng khi giao dịch trực tuyến, giao dịch tại máy ATM, POS bằng việc gửi tin nhắn, email...
Do đó, việc cập nhật và lưu ý đến các cảnh báo này sẽ giúp cho khách hàng rất nhiều trong những giao dịch sử dụng thẻ thanh toán. Đặc biệt, đây là những dịch vụ mà ngân hàng không thu phí từ khách hàng.
Nên đọc kỹ hợp đồng sử dụng thẻ thanh toán
Một trong những khuyến cáo của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương trong thời gian gần đây sau các vụ việc liên quan đến mất tiền trong tài khoản thanh toán hoặc thẻ ngân hàng đang thu hút sự quan tâm, chú ý là việc khách hàng cần nghiên cứu kỹ hợp đồng cung cấp dịch vụ thẻ của ngân hàng đối với mình.
Khi xem xét hợp đồng dịch vụ này, khách hàng cần quan tâm đến các quy định về quyền và trách nhiệm của chủ thẻ cũng như của đơn vị phát hành thẻ. Thông thường, phần nghĩa vụ của chủ thẻ luôn nhiều hơn gấp 2 lần so với quyền lợi được hưởng. Trong khi đó, quyền của đơn vị phát hành thẻ thường là gấp 3 lần so với nghĩa vụ của họ. Do vậy, quyền lợi của khách hàng sẽ bị thiệt nếu không nghiên cứu và trao đổi lại với ngân hàng về các điều khoản bất lợi...
Trường hợp người sử dụng không hiểu biết nhiều về các nội dung trong hợp đồng thì có thể nhờ đến người thân, bạn bè có hiểu biết về pháp luật ngân hàng hoặc có thể nhờ đến luật sư để hỗ trợ. Chi phí phát sinh là phụ thuộc vào cách mà khách hàng chọn để xem xét hợp đồng.
Khách hàng có quyền kiện ra toà án
Trong quá trình sử dụng, nếu xảy ra tranh chấp, chủ thẻ có thể khởi kiện lên tòa án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo quy định pháp luật.
Trong hợp đồng cung cấp thẻ cũng quy định rất rõ, trường hợp có tranh chấp giữa chủ thẻ và ngân hàng phát hành thẻ thì sẽ ưu tiên giải quyết bằng hòa giải, nếu không thành thì một trong hai bên có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam, tức là thông qua con đường trọng tài thương mại hoặc toà án có thẩm quyền.
Tuy nhiên, đây là cách thức tốn nhiều thời gian và chi phí để khách hàng có thể đòi lại được số tiền đã mất trong trường hợp họ không có lỗi hoặc có ít lỗi hơn phía ngân hàng. Mặt khác, việc kiện tụng này chỉ dùng đến khi đã sử dụng hết 5 cách trên mà rủi ro vẫn xảy ra.