Thông tin được Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đưa ra tại hội thảo "ATTT 4.0 - Thực trạng và sáng kiến" tổ chức sáng 18/01, tại Hà Nội.
Ông Trần Đăng Khoa, chuyên gia Cục ATTT cho biết, trong số 7.000 dòng mã độc đang có, 63% các loại mã độc được thiết kế để tấn công các camera giám sát; 20% thiết kế để tấn công các thiết bị liên kết mạng như router hay modem ISL; còn lại là mã độc tấn công các thiết bị thường xuyên sử dụng như máy in, thiết bị gia dụng, thiết bị cá nhân...
Theo thống kê của Cục ATTT, tính đến hết tháng 12/2017, Việt Nam đã có trên 316.000 camera giám sát được kết nối online và công khai trên mạng internet, trong đó có khoảng 147.000 thiết bị (chiếm 65%) đang tồn tại những lỗ hổng đã biết có nguy cơ có thể bị hacker khai thác tấn công mạng hoặc đã bị chiếm quyền điều khiển. Ngoài ra, Việt Nam cũng có khoảng 28.000 địa chỉ IP các thiết bị IoT đã bị tấn công bởi mã độc Mirai và các biến thể của Mirai.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục ATTT, trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ và đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT. Một trong những xu hướng phát triển mạnh mẽ nhất hiện tại có thể kể đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái IoT mang lại những lợi ích to lớn về khả năng kết nối và chia sẻ thông tin.
Mặt trái của nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro trong việc đảm bảo ATTT và được dự báo sẽ tiếp tục tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Việc đối phó với nguy cơ, thách thức này cần nỗ lực tổng thể mang tính quốc gia.
Nhận thấy xu hướng và thách thức Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt, các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều biện pháp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn thông tin. Mới đây, Bộ TT&TT vừa được giao chủ trì, phối hợp với VNISA, VTV và các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị các nội dung về an toàn thông tin phù hợp, đưa vào một số Chương trình trò chơi truyền hình có đông người xem như Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú…