Amazon phát triển thiết bị đeo "đọc" tâm trạng người dùng

Amazon phát triển thiết bị đeo
Tạp chí Nhịp sống số - ập đoàn Amazon đang phát triển thiết bị đeo ở cổ tay có thể nắm bắt được cảm xúc của người dùng trong một dự án mang mật danh “Dylan”.

Thiết bị này được mô tả như một sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Nó được xây dựng dựa trên sự hợp tác giữa đội ngũ phát triển phần mềm trợ lý ảo giọng nói Alexa và  bộ phận phát triển phần cứng Lab126 của Amazon, nơi đã cho ra đời loa thông minh Echo và điện thoại thông minh Fire Phone.

Được thiết kế để có thể kết nối với một ứng dụng di động, thiết bị đeo ở cổ tay của Amazon được tích hợp các microphone và một phần mềm có thể phân tích cảm xúc của người dùng dựa trên âm giọng của họ.

Một nguồn tin cho biết chương trình thử nghiệm beta đang được tiến hành nhưng vẫn chưa rõ cuộc thử nghiệm có bao gồm cả mẫu thử nghiệm của phần cứng thiết bị đeo này lẫn phần mềm nhận diện cảm xúc người dùng hay không.

Đơn xin đăng ký bản quyền sáng chế của Amazon nộp cho Văn phòng Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) vào năm 2017 mô tả một hệ thống, trong đó, phần mềm về giọng nói được sử dụng để phân tích các mẫu hình giọng nói để xác định cảm xúc của người dùng hệ thống này như buồn, vui, giận dữ, sợ hãi, chán chường, căng thẳng...

Nội dung bản quyền sáng chế này, được công bố vào năm ngoái, cho thấy Amazon có thể sử dụng các thông tin nắm bắt được về cảm xúc người dùng để giới thiệu các sản phẩm cho họ hoặc đưa ra các phản ứng khác nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Sơ đồ trong hồ sơ đăng ký bản quyền sáng chế của Amazon thể hiện hình ảnh một phụ nữ đang khụt khịt nói với trợ lý ảo Alexa rằng cô ta đang đói. Trợ lý ảo Alexa phát hiện cô đang bị cảm lạnh và hỏi rằng liệu có có muốn cung cấp công thức món súp gà không.

Một hồ sơ đăng ký bản quyền khác của Amazon đề cập đến hệ thống sử dụng các kỹ thuật có thể phân biệt được giọng nói của người dùng thiết bị đeo với các tạp âm xung quanh.

Ý tưởng xây dựng loại máy móc có thể hiểu được cảm xúc của con người từ lâu là nguồn cảm hứng cho nhiều cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Nhờ những bước tiến triển trong công nghệ học máy (machine learning) và nhận diện giọng nói và hình ảnh, ý tưởng này dần trở thành hiện thực. Các công ty công nghệ bao gồm Microsoft, Google và IBM cũng đang phát triển các công nghệ giúp xác định cảm xúc của con người dựa vào hình ảnh, giọng nói và các dữ liệu khác của họ.

Amazon có thể sử dụng công nghệ đọc cảm xúc con người để thiết kế các sản phẩm chăm sóc sức khỏe hoặc phục vụ cho các quảng cáo mục tiêu và đề xuất mua sản phẩm hiệu quả hơn. Amazon sẽ có cơ hội kinh doanh lớn nếu có thể khuyến khích khách hàng đặt mua sản phẩm nhờ nắm bắt được cảm xúc của họ.

Dòng sản phẩm loa thông minh Echo của Amazon và phần mềm trợ lý ảo Alexa kèm theo các loa thông minh này đã giúp phổ biến việc sử dụng giọng nói để đặt mua hàng hóa và kiểm soát các thiết bị tại nhà. Tuy nhiên, các nỗ lực của Amazon nhằm xây dựng một phần mềm cho smartphone có thể đối địch với hệ điều hành iOS của Apple hay Android của Google đều thất bại.

Vậy nên, Amazon đang tìm cách phổ biến phần mềm trợ lý ảo Alexa bằng những cách khác. Hồi đầu năm nay, một số bài báo cho biết Amazon đang phát triển các tai nghe tương tự tai nghe AirPods của Apple nhưng sẽ tích hợp với phần mềm trợ lý ảo giọng nói Alexa.

Amazon cũng bắt đầu ra mắt loa thông minh Echo Auto đặt trên bảng đồng hồ ô tô. Loa thông minh này có tích hợp trợ lý ảo giọng nói Alexa và có thể kết nối với một smartphone, cho phép tài xế có thể gọi điện, đặt mua hàng hóa, tìm kiếm nhà hàng trong quá trình lái xe. Amazon cho biết đã nhận được hơn một triệu đơn hàng đặt mua sản phẩm này.

Có thể bạn quan tâm

Sau một thời gian công bố trên thị trường quốc tế, mẫu iPad Mini 7 bản chính hãng hiện đã bắt đầu được mở bán tại thị trường Việt Nam.