APAC - tâm điểm của thế giới kỹ thuật số

APAC - tâm điểm của thế giới kỹ thuật số
Tạp chí Nhịp sống số - Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đang trở thành tâm điểm của mọi chuyển động liên quan đến thế giới kỹ thuật số, mà động lực đằng sau sự chuyển biến này chính là sự bùng nổ của các nền tảng di động (mobile).

hành vi người dùng, digital marketing, châu Á - Thái Bình Dương, quảng cáo trên di động, mobile marketing, quảng cáo số, APAC, Internet Trends

APAC - thị trường quảng cáo số đầy tiềm năng

Theo Nghiên cứu Internet Trends 2016 – Code Conference, Ấn Độ đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia có tỷ lệ dân số lên mạng trực tuyến (online) lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) cũng trở thành khu vực dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng ngân sách cho quảng cáo số trong những năm sắp tới, theo dự báo của hãng eMarketer.

Google đã hợp tác với công ty nghiên cứu thị trường IPSOS để tìm hiểu sâu hơn về micro-moment – những nhu cầu nảy sinh tức thời – của người sử dụng thiết bị di động tại APAC với hy vọng nó sẽ tiết lộ những thông tin quý giá liên quan đến dự định của người tiêu dùng khi họ tham khảo và ra quyết định mua sắm ngay trên các thiết bị thông minh (smartphone).

Những kết luận đầu tiên cho thấy: tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh (smartphone penetration) cao vượt trội đã tạo nên sự khác biệt giữa thị trường quảng cáo số APAC và các khu vực còn lại. APAC có tới bốn trong tổng số 10 nền kinh tế có tỷ lệ sử dụng smartphone cao nhất thế giới, trong đó Singapore và Hàn Quốc cùng xếp thứ 4 với tỷ lệ 91%. Bảy nền kinh tế khác trong khu vực (gồm Đài Loan, Malaysia, Úc, Hồng Kông, Trung Quốc, New Zealand và Việt Nam) cũng có tỷ lệ người sở hữu điện thoại thông minh ở mức bằng hoặc cao hơn thị trường Mỹ (72%).

Bằng cách tận dụng những sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng tại một thị trường ưu tiên cho di động (mobile first) như APAC, các thương hiệu có thể tạo nên một sự khởi đầu mới cho sự phát triển của ngành quảng cáo số trong khu vực, thậm chí còn có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Một trong những yếu tố làm thay đổi cuộc chơi kèm theo các bài học hữu ích đối với những thương hiệu muốn tiếp cận thành công người sử dụng di động tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương có thể kể đến là việc khai thác dữ liệu ra sao trong các kế hoạch quảng cáo số.

Người tiêu dùng châu Á có xu hướng mua sắm "chóng vánh"

Ở Việt Nam và Thái Lan, 97% số người sử dụng điện thoại thông minh cho biết các kết quả tìm kiếm trực tuyến đã thúc đẩy quyết định mua hàng của họ nhanh hơn so với trước đây.

Có đến 77% số người sử dụng tại Indonesia đã đến cửa hàng hoặc trang web có liên quan sau khi tìm kiếm trên mạng, và 69% đã cân nhắc mua hàng từ những thương hiệu họ thấy trong quá trình tìm hiểu thông tin trên điện thoại. Ở những thị trường lâu năm như Anh, các tỷ lệ này thấp hơn với mức tương ứng là 64% và 54%.

Không những nhanh hơn mà các quyết định này còn được hỗ trợ bởi nhiều nguồn thông tin hữu ích hơn. Trên 90% số người sử dụng điện thoại thông minh tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc APAC cho hay họ ra quyết định mua hàng nhờ vào các thông tin có tính hữu dụng hơn đến từ các cuộc tìm kiếm và tham khảo trực tuyến. Trong khi con số này ở Mỹ khá khiêm tốn, với 59%.

Chính vì vậy mọi bí kíp thành công đều gói gọn trong những khoảnh khắc tưởng như đơn giản micro-moment – khi người tiêu dùng sử dụng điện thoại để tìm hiểu thông tin chính là lúc thương hiệu có thể tạo được những ảnh hưởng mang tính quyết định.

Người tiêu dùng có thể ra quyết định tại mọi điểm tương tác xuyên suốt hành trình mua sắm, vì vậy doanh nghiệp không nên bỏ lỡ bất cứ khoảnh khắc nào. Hãy triển khai một chiến lược có khả năng dự báo nhu cầu của người sử dụng nhờ vào việc nhận dạng các khoảnh khắc then chốt ảnh hưởng đến quyết định mua hàng (key micro-moment) của họ.

Khi nhu cầu ngày một gia tăng, những thương hiệu có khả năng mang lại đúng thứ người tiêu dùng tìm kiếm ngay tại thời điểm họ cần sẽ giành chiến thắng.Ví dụ như trường hợp của Kellogg’s, thương hiệu này nhận thấy người tiêu dùng tại Ấn Độ có xu hướng gia tăng việc tìm kiếm trực tuyến các thực đơn thú vị để thay đổi cho bữa sáng. Vì vậy họ đã tung ra 100 đoạn video với những tình huống khác nhau, mỗi tập giới thiệu một công thức làm bữa sáng với thành phần cơ bản là bột ngô Corn Flakes do hãng cung cấp. Cách làm này đã mang hình ảnh thương hiệu xuất hiện trước người tiêu dùng vào khoảnh khắc họ tìm kiếm các công thức nấu ăn. Kết quả, Kellogg’s đã đạt mức tăng trưởng 20% trong doanh số bán hàng.

Sẵn sàng thử với những tên tuổi mới

Trong khu vực APAC, đa phần người sử dụng thiết bị di động không ngại dùng thử các nhãn hàng mới, thay vì chỉ trung thành với một công ty duy nhất.

Ở Nhật Bản, 96% số người sử dụng điện thoại thông minh cho biết họ không hoàn toàn nhắm đến một nhãn hiệu nhất định khi bắt đầu tìm kiếm thông tin trực tuyến về món hàng nào đó muốn mua. Con số này cũng khá cao ở Hàn Quốc và Singapore với 93% và 92%. Điều này chứng tỏ trong khi tìm kiếm, người tiêu dùng vẫn sẵn lòng lắng nghe và tham khảo thông tin. Chính vì vậy điểm mấu chốt là thương hiệu cần có mặt để truyền tải thông điệp kịp thời và phù hợp đến họ.

Thậm chí kể cả khi đã có một số nhãn hiệu cụ thể để cân nhắc, nhưng nếu thấy đúng thông tin tại đúng thời điểm người tiêu dùng vẫn có thể thay đổi ý định ban đầu nhanh chóng. Cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng hơn 80% số người tiêu dùng tại Hồng Kông, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia sẵn lòng mua hàng hóa từ một nhãn hiệu họ không thường sử dụng trước đó, miễn là những thông tin phù hợp hiện ra trên điện thoại của họ vào đúng khoảnh khắc nảy sinh nhu cầu. Tỷ lệ này ở Mỹ chỉ có 33%.

Hữu ích cho sự trải nghiệm mua sắm

Thực tế cho thấy hơn 80% số người sử dụng ở Ấn Độ, Indonesia và Philippines thích mua hàng từ những công ty có cung cấp các nội dung hướng dẫn bằng video, trong khi con số này ở Mỹ chỉ có 48%. Tương tự, các thương hiệu – có sở hữu trang web trên thiết bị di động hoặc ứng dụng trên thiết bị di động với khả năng tùy chỉnh thông tin – sẽ thu hút được nhiều người sử dụng di động trong khu vực hơn.

Cụ thể 92% số người sử dụng ở Indonesia thường mua hàng ở những web di động hoặc ứng dụng có khả năng giải đáp thắc mắc và trả về nhanh chóng kết quả họ tìm kiếm. Còn ở Ấn Độ, 87% số người sử dụng di động mua hàng trên web di động hoặc trên ứng dụng có tính năng hỗ trợ quá trình mua hàng diễn ra dễ dàng và nhanh chóng.

Để xây dựng sự yêu thích và lòng trung thành từ phía người tiêu dùng, thương hiệu phải cung cấp những sự trải nghiệm trực tuyến phù hợp với nhu cầu. Một số chiến thuật cơ bản có thể áp dụng là: sử dụng các nội dung ngắn gọn súc tích giúp độc giả dễ hiểu (snackable content), hướng dẫn cho họ các cửa hàng gần nhất so với vị trí họ tìm kiếm món hàng, tạo nên các video hướng dẫn cách làm (how-to video) để giúp đỡ một cách trực quan, hay đơn giản là tạo nên một sự trải nghiệm liền mạch trên ứng dụng hoặc web di động để thúc đẩy quá trình mua hàng.

 

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.