Apple 'chiến' Epic Games: Tâm điểm hoa hồng 30%

Apple 'chiến' Epic Games: Tâm điểm hoa hồng 30%
Tạp chí Nhịp sống số - Tương lai của iPhone lại một lần nữa bị ảnh hưởng khi Apple cố gắng bảo vệ các chính sách trên gian ứng dụng App Store của mình.

Vụ kiện mang tầm ảnh hưởng tới toàn ngành game và công nghệ

iPhone ra đời năm 2007 và sau 13 năm, sản phẩm vẫn luôn là trung tâm của các vụ kiện tụng trong ngành công nghiệp thiết bị di động. Apple luôn “chiến đấu” cùng đối thủ số một của minh là Samsung, nhưng không quên lập “chiến tuyến” để tự phòng vệ trước các hãng khác, đặc biệt trong vấn đề bản quyền thiết kế iPhone. “Cựu vương” Nokia hay hãng sản xuất chip di động lớn nhất thế giới là Qualcomm cũng dính dáng tới bản quyền với Apple. Thậm chí, trước cả khi iPhone ra đời, "táo khuyết" cũng đối đầu với “gã khổng lồ” chuyên về giải pháp mạng lưới là Cisco (Mỹ) vì cái tên “iPhone”.

Hết kiện tụng phần cứng, mới đây Apple lại “dắt tay” Epic Games ra tòa trong vụ việc có liên quan tới tựa game hiện tượng gần đây là Fortnite. Sở hữu Fortnite đang có hơn 350 triệu người dùng toàn cầu, Epic Games đâm đơn kiện Apple từ ngày 13/8, cáo buộc hãng này ra điều khoản ép nhà phát triển phải thanh toán phí hoa hồng đắt đỏ cắt từ doanh thu khi cho ứng dụng lên App Store. Việc làm cho hãng thứ ba khó làm ăn trên App Store của Apple bị xem là hành vi phi cạnh tranh.

Vụ kiện buộc Apple phải biện giải cho cách công ty vận hành App Store - cánh cổng duy nhất cho lập trình viên khi muốn ứng dụng của họ được tải về và cài đặt trên iPhone.

Epic Games (EG) đã chủ đích phá luật của Apple yêu cầu các nhà phát triển chỉ được sử dụng dịch vụ xử lý thanh toán của "táo khuyết" đối với các giao dịch mua vật phẩm trong ứng dụng (in-app purchase). Giao dịch dạng này chỉ là các phần thêm vào, giống như token điện tử mà người dùng sử dụng để mua đồ ảo như đồ đạc, phụ kiện, vũ khí cho nhân vật trong game (cụ thể ở đây là Fortnite).

Các nhà phát triển, nhất là những đơn vị có ứng dụng tải miễn phí như Fortnite phải phụ thuộc vào các giao dịch mua đồ trong ứng dụng như nguồn thu nhập chính của họ. Và để phản đối cách làm việc của Apple, EG đã bật mã ẩn trong game Fortnite, cho phép người chơi mua vật phẩm trực tiếp từ Epic cùng chiết khấu thay vì phải trả 100% số tiền thông qua dịch vụ thanh toán mà Apple cung cấp.

Bằng cách này, EG né được khoản hoa hồng tới 30% mà Apple tính trên mỗi lượt bán đối với nhà phát triển vì đặc quyền xuất hiện trên App Store cho người dùng iPhone. Phía "táo khuyết" lập tức cấm Fortnite trên App Store và Epic Games phản ứng lại bằng vụ kiện nói trên, châm ngòi cho cuộc chiến pháp lý thu hút sự quan tâm của cả ngành công nghiệp game lẫn hàng triệu nhà phát triển ứng dụng bởi vụ việc có thể thay đổi cả hai lĩnh vực dù kết quả ra sao.

App Store ra mắt từ tháng 6.2008, hiện có trên 1,85 triệu ứng dụng (theo dữ liệu của Statista tính tới tháng 9). Gian phần mềm này thu hút hơn 27 triệu nhà phát triển và có hơn 1 tỉ người dùng ở 175 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Theo Cnet, chỉ riêng năm 2019, Apple đã trả 37 tỉ USD cho các nhà phát triển. Nếu tính khoản hoa hồng 30% mà Apple thu từ lập trình viên, doanh thu của App Store năm 2019 đã đạt khoảng 55,5 tỉ USD.

David Olson, giáo sư tại Trường đại học Luật Boston (Mỹ) cho rằng vụ việc lần này được quan tâm nhiều bởi nó đã dấy lên hàng loạt câu hỏi liên quan tới việc Apple được phép quản lý bao nhiêu phần trăm trên nền tảng của mình, một vấn đề gây tranh cãi nhiều năm trên mạng nhưng chưa được làm sáng tỏ tại tòa. “Vụ này sẽ lớn đấy”, David nói. Ông là giáo sư chuyên sâu về luật chống độc quyền, sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế.

Những vấn đề ngoài câu chuyện tiền bạc

Cách ứng dụng được phân phối và kiếm tiền trên thiết bị di động đang là vấn đề với Apple hiện nay. Ngay từ đầu hãng đã yêu cầu mọi phần mềm dành cho iPhone phải được chính Apple thông qua và App Store là công cụ duy nhất để các nhà phát triển phần mềm được đưa ứng dụng của mình tới người dùng iPhone. "Táo khuyết" cũng tuyên bố hành vi kiểm soát là một tính năng trong hoạt động của mình, hứa hẹn với người dùng iPhone rằng họ có thể tin tưởng bất kỳ chương trình nào được tải về máy từ App Store vì tất cả đều đã được kiểm duyệt.

Bên cạnh việc tính phí 30% trên doanh thu, Apple còn yêu cầu nhà phát triển phải tuân thủ chính sách ngặt nghèo liên quan tới nội dung, kiểm soát gắt gao thông tin đồi trụy, cổ súy ma túy và chất gây nghiện hay hình ảnh thực về các vụ chết người, bạo lực… Hãng cũng quét kỹ vấn đề an ninh, thư rác hay ứng dụng có khả năng lấy cắp dữ liệu từ điện thoại người dùng.

Chính sách của App Store vì vậy thường là tâm điểm của các vụ tranh cãi. Sự kiểm soát ngặt nghèo đó là di sản của người đồng sáng lập Apple - cố CEO Steve Jobs. Ông kiểm soát kể cả những thứ nhỏ nhặt nhất, từ thiết kế giao diện tới cảm giác khi sử dụng phần mềm, phần cứng của công ty, đôi khi là cả những chấm nhỏ nhất trên màn hình, từng cạnh cong trên thiết bị tới cảm giác thỏa mãn của người dùng khi cắm sạc…

Sự kiểm soát mang tính ám ảnh đó đã làm phật ý các nhà phát triển trong nhiều năm. Họ cho rằng quy tắc cứng nhắc của Apple đối với mọi thứ, từ nội dung (hãng từng cấm ứng dụng của một họa sĩ vẽ tranh biếm họa đoạt giải Pulitzer) đến cách các chương trình kết nối với internet, khiến nhà sản xuất iPhone kiểm soát quá đà lên các công ty khác.

Tháng 7 vừa qua, các nhà lập pháp Mỹ đã triệu tập CEO Tim Cook của Apple cùng lãnh đạo Facebook, Amazon, Alphabet (công ty mẹ của Google) để làm việc liên quan tới những chính sách của các hãng này.

Khi đó, Tim Cook khẳng định cách tiếp cận của Apple giúp thu hút thêm nhiều người dùng và các nhà phát triển đến với nền tảng của họ, không phải đuổi bớt đi. “Rõ ràng, nếu Apple là người gác cổng thì việc chúng tôi làm là mở rộng cánh cửa ra. Chúng tôi muốn tất cả ứng dụng xuất hiện trên App Store nếu có thể chứ không phải gạt bớt”, Cook nhấn mạnh.

Về phía Epic Games, đây không phải là nhà phát triển duy nhất bất đồng với Apple. Có hơn một tá công ty khác (gồm cả dịch vụ âm nhạc trực tuyến Spotify, ứng dụng hẹn hò Match Group…) chung chiến tuyến với Epic, lập ra một nhóm có tên Liên minh vì Công bằng cho ứng dụng (CAF) nhằm phản đối các quy định của Apple.

“Cùng với những người thực thi, lập pháp và quản lý trên thế giới đang điều tra Apple vì hành vi phi cạnh tranh, CAF sẽ là tiếng nói đại diện cho các nhà phát triển ứng dụng và game trong nỗ lực bảo vệ lựa chọn cho người tiêu dùng, tạo ra sân chơi cho tất cả mọi người”, Horacio Gutierrez - Giám đốc đối ngoại toàn cầu của Spotify lên tiếng. Hãng này đã vận động cuộc điều tra nhắm vào Apple tại Liên minh châu Âu (EU) hè vừa qua sau khi dịch vụ âm nhạc phản ánh với giới chức EU về chính sách của Apple.

Có thể bạn quan tâm