Apple gặp khó khi các đối tác Trung Quốc từ chối sản xuất tại Mỹ

Apple gặp khó khi các đối tác Trung Quốc từ chối sản xuất tại Mỹ
Tạp chí Nhịp sống số - Trước khả năng Apple sẽ phải sản xuất iPhone và các sản phẩm khác tại Mỹ, nhiều đối tác cung cấp linh kiện và lắp ráp sản phẩm của Apple tại Trung Quốc sẽ không chuyển nhà máy sang Mỹ vì giá nhân công đắt đỏ.

Trong quá trình tranh cử cho cuộc đua vào Nhà Trắng, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã từng khẳng định sẽ buộc Apple phải sản xuất iPhone và các sản phẩm khác tại Mỹ, thay vì tại Trung Quốc như hiện nay, và giờ đây nhiều người đang chờ đợi xem ông Trump có thực hiện lời hứa của mình khi đã trở thành Tổng thống Mỹ hay không.

Theo nhiều nguồn tin

donald trump, apple, trung quốc, điện thoại, smartphone, linh kiện

Các đối tác sản xuất iPhone của Apple tại Trung Quốc không muốn phải chuyển nhà máy sang Mỹ vì lo ngại chi phí hoạt động đắt đỏ

Theo thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội QQ của Trung Quốc, nhiều đối tác sản xuất của Apple, trong đó có Lens Technologies, công ty cung cấp mặt kính cho iPhone, sẽ không chuyển hoặc mở nhà máy tại Mỹ để cung ứng linh kiện cho Apple vì mức lương nhân công đắt đỏ và lo ngại sẽ thiếu nhân công lao động trong mùa cao điểm sẽ khiến công ty không đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

Một đối tác khác của Trung Quốc không được tiết lộ danh tính cho biết chuỗi cung ứng linh kiện sẽ khó được thiết lập hoàn chỉnh tại Mỹ và nếu tất cả các linh kiện được sản xuất và cung ứng tại Trung Quốc sẽ giúp quá trình lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh diễn ra được nhanh hơn. Đại diện của đối tác này cho biết một linh kiện bằng kim loại sẽ chỉ mất 10 ngày để đúc tại Thâm Quyến, nhưng có thể phải mất đến một tháng hoặc hơn nếu được sản xuất tại Mỹ nếu không có một quy trình hoàn thiện tại quốc gia này.

Trước đó vào hồi tháng 6, Apple được cho là đã đàm phán với 2 đối tác lắp ráp sản phẩm lớn nhất của mình tại Trung Quốc là Foxconn và Pegatron để cân nhắc khả năng chuyển nhà máy và quy trình sản xuất sang Mỹ, tuy nhiên cả hai đối tác này đều từ chối kế hoạch vì lo ngại kinh phí sản xuất và hoạt động sẽ bị đẩy lên cao do giá nhân công tại Mỹ cao hơn Trung Quốc rất nhiều.

Hiện Apple đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Trước đó trong quá trình vận động tranh cử, Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp mức thuế lên đến 35% cho iPhone và các sản phẩm khác đang được sản xuất tại nước ngoài để buộc các công ty chuyển nhà máy sản xuất về Mỹ nhằm tăng thêm công việc cho quốc gia này.

Trong một bài phỏng vấn vào tháng 12/2015, CEO Tim Cook của Apple đã từng thừa nhận rằng việc chuyển các nhà máy và dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ là rất khó khăn, ngay cả khi chính phủ tăng thuế để ép buộc các công ty thực hiện điều này.

“Để sản xuất iPhone cần có một cụm các nhà máy cung cấp trong cùng một vị trí mà Mỹ chưa có được vào thời điểm này”, CEO Tim Cook cho biết. “Thậm chí nếu ông Trump áp đặt một mức thuế lên đến 45%, các công ty vẫn sẽ quyết định tiếp tục sản xuất ở nước ngoài miễn là chi phí cùng với các mức thuế thấp hơn so với số tiền mà họ phải bỏ ra để xây dựng và chạy dây chuyền sản xuất tại Mỹ”.

Hiện chưa rõ Donald Trump có hiện thực hóa những tuyên bố của mình hay không, tuy nhiên nếu điều này thực sự xảy ra chắc hẳn mức giá các sản phẩm của Apple sẽ còn tăng lên đáng kể so với mức giá không hề rẻ ở thời điểm hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.