Theo Neowin, các phụ kiện nhái dành cho các mẫu thiết bị của Apple nói trên được đăng tải trên mạng xã hội như Facebook và Instagram. Chúng được sản xuất và lắp ráp bởi các nhà sản xuất Trung Quốc tương đối ít tên tuổi. Các sản phẩm nhái này làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, đặc biệt khi có em nhỏ ở bên. Đó là lý do tại sao Apple đang cố gắng ngăn chặn việc bán các phụ kiện nhái trực tuyến bằng cách sử dụng cả một nhóm để theo dõi và hạn chế việc bán các phụ kiện này.
Andrea Stroppa, một người làm việc trong lĩnh vực an ninh mạng, cho biết đã mượn một bộ sạc giả từ người bạn và nó đã phát nổ khi đang sạc. Đó là mối nguy hiểm của việc mua các phụ kiện Apple nhái và Apple đang cố gắng chống lại các nhà cung cấp chúng trên Instagram và Facebook thông qua nhóm riêng của mình. Mặc dù vậy, Facebook vẫn chưa tìm ra cách ngăn chúng.
Được biết, mức giá hấp dẫn của các phụ kiện tương tự đã mang đến cho ngành công nghiệp phụ kiện nhái khoản doanh thu lên đến hàng triệu USD trên toàn thế giới. Trong một bài báo nghiên cứu của Ghost Data Team, Bloomberg phát hiện ra 163 người bán phụ kiện Apple nhái đã giao dịch trên Instagram trong tháng trước. Các phụ kiện được bán nhiều nhất là bản sao của AirPods Pro và bộ sạc MagSafe với giá lần lượt 25 USD và 5,5 USD, thấp hơn nhiều bản gốc có giá 249 USD và 39 USD tương ứng.
Trong cùng một nghiên cứu, các nhà điều tra báo cáo một người bán phụ kiện nhái đã kiếm về được tổng cộng 140.000 USD mỗi ngày. Vấn đề ở đây là liệu tất cả người mua những sản phẩm nhái này đều biết rằng chúng thực sự là hàng nhái và hoàn toàn hiểu được hậu quả của việc mua một sản phẩm như vậy.