Apple lại vừa phải bỏ ra một khoản tiền khổng lồ để giải quyết vụ kiện tụng liên quan đến bằng sáng chế. Vụ kiện tụng này đã kéo dài suốt 17 năm. Nó bắt đầu diễn ra từ năm 1999 và được bắt đầu bởi Mirror World Technologies - là công ty con của Network-1 Technologies.
Mirror World Technologies đã tố Apple vi phạm bản quyền sáng chế có số hiệu "No. 6,006,227". Gần giống như Cover Flow của Apple, bằng sáng chế này mô tả về một hệ thống lưu trữ tài liệu theo thứ tự thời gian. Sáng chế này được bắt nguồn từ trường Đại học Yale, do Giáo sư David Gelernter thuộc Khoa khoa học máy tính cùng với Tiến sĩ Eric Freeman phát triển từ năm 1996. Các bằng sáng chế sau đó được bán cho công ty Network-1.
Cuộc chiến pháp lý giữa Network-1 và Apple được coi là một trong những vụ kiện dài hơi và tốn tốn kém nhất trong lịch sử. Trước đó, Táo đã từng bị phán quyết với số tiền phạt 625 triệu đô la Mỹ, nhưng Apple đã bác bỏ. Sau rất nhiều năm, cuối cùng vụ kiện tụng này cũng kết thúc và Táo đành phải chấp nhận bỏ ra số tiền 25 triệu đô để đền bù.
Vừa hồi đầu tháng này, Apple cũng dính vào một vụ kiện cáo vi phạm bản quyền sáng chế. Một người đàn ông Mỹ tên là Thomas S. Ross, hiện đang sinh sống tại bang Florida đã đột nhiên đệ đơn tố cáo lên Tòa án, kiện Apple sao chép thiết kế của mình - một thiết kế được chắc chắn đã có từ hồi năm 1992. Theo Thomas, ông đã lên ý tưởng về iPhone và bắt đầu phác họa thiết kế sản phẩm này từ ngày 23/5 tới ngày 10/9/1992 - tức là khoảng 15 năm trước khi model iPhone đầu tiên của Táo được cho ra đời vào năm 2007. Sản phẩm mà Thomas mô tả trong bản vẽ là một thiết bị di động thông minh có hình chữ nhật với màn hình cảm ứng, bốn góc được bo tròn và có phím vật lý phía dưới màn hình.
Thomas đã nộp đơn đăng ký bảo hộ cho ý tưởng trên vào tháng 11/1992, nhưng đến tháng 4/1995, ông bị từ chối cấp quyền sở hữu trí tuệ do không đóng đủ phí theo yêu cầu. Vào năm 2014, Thomas lại lần nữa nộp đơn lên Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ xin cấp quyền tác giả cho bản vẽ kỹ thuật của mình.
Ngày 27/6 vừa qua, Tòa án Florida đã thụ lý vụ án này. Song phía Apple vẫn chưa có bất cứ phát ngôn nào liên quan. Hiện, vẫn chưa có thông tin phiên xét xử sẽ diễn ra ngày nào.
Trước đó không lâu, Táo cũng bị tố ăn cắp bản quyền tại Trung Quốc. Cụ thể, Apple bị văn phòng sở hữu trí tuệ Trung Quốc cấm phát hành sản phẩm iPhone 6 và 6 Plus tại nước này vì bị công ty Shenzhen Baili - một công ty có trụ sở ở Thâm Quyến - kiện vi phạm bản quyền sáng chế.
Baili cáo buộc Apple đã tiến hành sao chép trắng trợn mẫu di động 100C. Về thiết kế của iPhone 6 và 6 Plus không có khác biệt nhiều so với chiếc điện thoại của công ty này.
Ngoài vướng vào những vụ kiện tụng đau đầu, trong thời gian vừa qua, tình hình kinh doanh của Táo cũng gặp nhiều trắc trở. Theo một báo cáo gần đây cho thấy Apple đã bị Samsung vượt mặt. Bộ đôi điện thoại Galaxy S7 và S7 Edge đã đè bẹp iPhone 6S và 6S Plus của Apple.
Tại khá nhiều quốc gia trong đó có Mỹ, Galaxy S7 và S7 Edge trở thành sản phẩm được yêu thích hơn iPhone. Chưa kể, Apple còn bị các thương hiệu smartphone giá rẻ cạnh tranh, lấn chiếm thị phần tại thị trường Trung Quốc.
Trước đó, báo cáo doanh thu quý 2/2016 (tính từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2016) của Táo khuyết cho thấy sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng của hãng này.
Trong 13 năm trở lại đây kể từ 2003, đây là lần đầu tiên hãng công nghệ Mỹ chịu sự sụt giảm đáng lo ngại như vậy. Trong đó, doanh thu từ iPhone cũng lần đầu tiên giảm xuống kể từ khi dòng smartphone này được nhà Táo cho ra đời vào năm 2007.