Trong một bức thư lưu hành nội bộ, có ghi rõ các thiết kế của ARM cũng chứa "một số công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ". Và do đó, công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh tin rằng họ cũng nằm trong phạm vi sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một nhà phân tích đã mô tả về động thái này rằng, nếu sự việc kéo dài, sẽ trở thành một chướng ngại "không thể vượt qua nổi" đối với hoạt động kinh doanh của Huawei. Ông cho biết động thái của ARM sẽ tác động sâu sắc đến khả năng tự phát triển và sản xuất các dòng chip riêng của Huawei. Nhiều bộ vi xử lý do Huawei phát triển được xây dựng dựa trên công nghệ nền tảng do ARM cung cấp, và phía Huawei phải trả tiền để có giấy phép sử dụng chúng.
Quyết định ngưng giao dịch với Huawei cũng được ARM áp dụng cho ARM China, một công ty đặt tại Trung Quốc mà ARM Holdings đang nắm giữ 49% cổ phần. Đây là một liên doanh thành lập hồi năm 2018 giữa ARM và một tập đoàn đầu tư Trung Quốc nhằm giúp ARM có thể phát triển, bán vá cung cấp các sử hỗ trợ cho các sản phẩm của ARM trong khu vực.
ARM là ai và có ảnh hưởng thế nào đối với Huawei?
ARM là một công ty thiết kế chip được thành lập vào năm 1990. Hồi tháng 9 năm 2016, công ty này được gã khổng lồ viễn thông Nhật Bản Softbank mua lại, nhưng vẫn tiếp tục duy trì trụ sở chính tại Cambridge, Vương quốc Anh.
ARM không tự mình sản xuất các bộ vi xử lý máy tính, nhưng công ty lại "sống" bằng việc cấp phép các công nghệ bán dẫn của mình cho các nhà sản xuất khác.
Trong một số trường hợp, các nhà sản xuất chỉ mua giấy phép sử dụng kiến trúc của ARM, hay các "tập lệnh", yếu tố quyết định đến cách thức các CPU xử lý lệnh. Lựa chọn này cho phép các nhà sản xuất được tự do hơn trong việc tuỳ biến thiết kế chip của riêng mình.
Còn trong các trường hợp khác, các nhà sản xuất phải mua giấy phép sử dụng các thiết kế cốt lõi của bộ vi xử lý từ phía ARM, vốn mô tả cách thức sắp xếp các bóng bán dẫn (transistor) trên bề mặt chip. Các thiết kế này vẫn cần phải kết hợp các yếu tố khác – chẳng hạn như bộ nhớ và bộ thu sóng radio – để hình thành nên một hệ thống System-on-a-Chip (SoC) tiêu chuẩn.
Giới phân tích công nghệ nói rằng việc ARM ngừng làm ăn với Huawei nếu kéo dài sẽ 'thổi bay' hoạt động kinh doanh của Huawei, đặc biệt trong lĩnh vực di động (smartphone và tablet). Nếu như Google nghỉ chơi thì Huawei vẫn còn có thể phát triển hệ điều hành của riêng mình dựa trên Android mã nguồn mở, nhưng ARM ngưng hợp tác đồng nghĩa với việc Huawei không thể tiếp tục phát triển các con chip di động của mình. Ngay như con chip di động mới nhất và tự hào nhất của Huawei là HiSilicon Kirin 980 (7nm) trang bị cho smartphone Huawei P30 Pro cũng chứa các nhân xử lý Cortex của ARM. Chip xử lý đồ họa GPU Mali-G76 MP1 cũng từ ARM.