Ba đại diện Việt Nam được vinh danh tại ASOCIO 2019

Ba đại diện Việt Nam được vinh danh tại ASOCIO 2019
Tạp chí Nhịp sống số - Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Công nghệ Số ASOCIO 2019 (ASOCIO Digital Summit) diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia), Giải thưởng ASOCIO 2019 đã được trao cho 3 đại diện của Việt Nam là Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Tập đoàn công nghệ CMC và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG

Ba đại diện Việt Nam được trao giải thưởng ASCOCIO 2019

Giải thưởng ASOCIO là giải thưởng CNTT uy tín hàng đầu khu vực do Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á – Châu Đại Dương (ASOCIO – www.asocio.org) tổ chức. Giải thưởng được trao cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp xuất sắc tại 24 nền kinh tế thành viên ASOCIO. Chỉ các thành viên của ASOCIO mới được quyền đề cử cho các giải thưởng này.

Năm 2019, Giải thưởng ASOCIO có 4 hạng mục bao gồm: Chính phủ Số; Doanh nghiệp CNTT xuất sắc; Tổ chức Ứng dụng CNTT xuất sắc; và Tổ chức Đào tạo CNTT xuất sắc. Giải thưởng được trao trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Công nghệ Số ASOCIO 2019 (ASOCIO Digital Summit) tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 13/11/2019, với sự chứng kiến của các đại biểu đến từ 24 quốc gia và nền kinh tế tại 2 châu lục.

3 đại diện của Việt Nam nhận giải thưởng lần này là: Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines - Đơn vị ứng dụng CNTT xuất sắc 2019 (Outstanding User Organization), Tập đoàn Công nghệ CMC - Doanh nghiệp CNTT xuất sắc (Outstanding ICT Company) Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh) - Tổ chức Đào tạo CNTT xuất sắc 2019 (Outstanding ICT Education and Training Organization).

Đại diện Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tham dự ASOCIO Digital Summit và Lễ trao giải thưởng ASOCIO 2019, bà Nguyễn Thị Thu Giang – Tổng thư ký Hiệp hội – cho biết: Giải thưởng ASOCIO là sự ghi nhận, tôn vinh những thành quả của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc phát triển, ứng dụng CNTT trong thời gian qua. Việc 3 đại diện Việt Nam được trao giải thưởng ASOCIO 2019 không chỉ là sự công nhận của cộng đồng ICT quốc tế với các thành tích của họ, mà còn góp phần khẳng định vị thế cũng như những nỗ lực của Việt Nam trên bản đồ công nghệ khu vực và thế giới”.

Trước đó, những cá nhân tổ chức Việt Nam đã từng nhận giải thưởng ASOCIO gồm: Thủ tướng Phan Văn Khải (2003), PGS. TS Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT (2013), Công ty FPT Software, Ngân hàng Vietinbank (2016), Công ty Hệ thống thông tin FPT, Tập đoàn Masan, Trường Đại học Bách khoa (2017), Bộ Tài chính, UBND tỉnh Quảng Ninh, Công ty Cổ phần MISA, Đại học FPT (2018).

THÀNH TÍCH CỤ THỂ CỦA CÁC ĐƠN VỊ

1. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và duy trì dịch vụ đẳng cấp quốc tế 4 sao, hướng tới dịch vụ 5 sao trong thời gian tới, Vietnam Airlines đã tập trung triển khai, nâng cấp các hệ thống (CNTT) lớn để mang lại sự trải nghiệm cho khách hàng, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh đồng thời quản lý chi phí và rủi ro. Năm 2018 và 2019, Vietnam Airlines đã ra mắt một số hệ thống và ứng dụng như hệ thống phân tích hiệu quả đường bay (RPS), hệ thống thông tin quản lý (MIS), hệ thống phân lịch bay phi công, tiếp viên (Crew) và ứng dụng Mobile hoàn toàn mới với nhiều tính năng vượt trội.
An toàn là ưu tiên cao nhất của Vietnam Airlines, năm 2018 VNA đã triển khai hệ thống quản lý an toàn tổng thể dựa trên nền tảng của Rolls royce. Hệ thống cho phép VNA theo dõi hoạt động an toàn bay, cảnh báo các nguy cơ gây mất an toàn và có các giải pháp phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng an toàn khai thác bay.
Ngoài ra, Vietnam Airlines tiếp tục nâng cao năng lực vận hành và bảo dưỡng máy bay. Cụ thể, Vietnam Airlines đã phối hợp với Tập đoàn FPT và Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus ký thỏa thuận xây dựng nền tảng Skywise. Nền tảng công nghệ này hứa hẹn giúp cải thiện hoạt động và kết quả kinh doanh đồng thời hỗ trợ VNA trong quá trình chuyển đổi số.

2. Tập đoàn Công nghệ CMC
CMC Corporation đặt mục tiêu trở thành tập đoàn CNTT hàng đầu khu vực bằng sự sáng tạo, đổi mới không ngừng trong nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ cao; hướng tới sự chuyên nghiệp và hoàn hảo cho từng sản phẩm và dịch vụ, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng mạnh về CNTT.
Năm 2017, CMC đã ra mắt Trung tâm Sáng tạo CMC, Quỹ Đầu tư Sáng tạo CMC và Trung tâm Phát triển Nguồn lực CMC, cũng như ra mắt cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm CVCS (Hệ thống đường cáp viễn thông xuyên Việt Nam), Trung tâm dữ liệu thứ ba của CMC Telecom (khai trương vào ngày 7/12/2017), CMC NextGen SOC (Trung tâm Điều hành An ninh An toàn thông tin CMC) và CMC Lab (ra mắt vào tháng 12/2017). Cuối năm 2017, CMC Corporation cũng đã khởi động dự án xây dựng CMC Creative Space - trụ sở của CMC tại quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng diện tích gần 1 1,3 ha và tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng Việt Nam. Khi hoàn thành, tòa nhà sẽ tạo ra một năng lực khổng lồ để cung cấp các giải pháp quy mô lớn về CNTT & viễn thông để đóng góp cho xã hội.
Năm 2018, với các thành tựu về kinh doanh và công nghệ, CMC vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng ba lần thứ hai.
Cùng đó, Tập đoàn cũng được ghi nhận ở nhiều chương trình như: CMC Telecom nằm trong Top 25 nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương và Top 10 công ty cung cấp dịch vụ Data Center hàng đầu (do CIO Outlook bình chọn);  CMC nằm trong Top 5 doanh nghiệp CNTT - viễn thông uy tín của Việt Nam năm 2018 (do Báo cáo Việt Nam bình chọn); Tập đoàn CMC nằm trong danh sách 50 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam năm 2018, 2019...
Đặc biệt, nắm bắt những cơ hội của Cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ Tư, Tập đoàn đã có những bước chuyển mình trong giai đoạn mới, tích cực phát triển hệ sinh thái công nghệ CMC để nghiên cứu, triển khai và vận hành các ứng dụng công nghệ mới, mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng và đối tác.
Năm 2019, Tập đoàn đã ra mắt Hệ sinh thái hạ tầng mở cho doanh nghiệp (C.OPE2N); đồng thời tiến hành tái cấu trúc Tập đoàn, ra mắt Tổng Công ty Công nghệ & Giải pháp CMC (CMC TS), đổi tên CMC Infosec thành CMC Cyber ​​Security.
Ngoài ra, CMC và Samsung SDS đã ký kết hợp tác đầu tư chiến lược. CMC hy vọng việc hợp tác chiến lược với Samsung SDS sẽ giúp tập đoàn tiến một bước gần hơn đến mục tiêu chiến lược là đạt được doanh thu 1 tỷ đô la vào năm 2023.

3. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh)
Là một trong những trường Đại học trọng điểm về đào tạo nhân lực CNTT Việt Nam, Trường đã xây dựng đa dạng các chương trình đào tạo CNTT đa ngành, đa lĩnh vực, nổi bật như chương trình Tiên tiến giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình Cử nhân Tài năng, Chương trình Việt – Pháp, chương trình chất lượng cao được tăng cường tiếng Nhật.
Hiện, trường đào tạo khoảng 5.000 sinh viên, trong đó có khoảng 1.200 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm. Theo khảo sát của Trường, hầu hết sinh viên đều tìm được việc trong vòng 3 tháng sau khi tốt nghiệp, và nhiều người tìm được việc làm từ năm thứ 3 trước khi tốt nghiệp.
Đáng chú ý, sinh viên của Trường đã thực tập tại các công ty công nghệ toàn cầu như Google, Facebook, Amazon, Microsoft, Sony... Nhiều người trong số này chuyển sang làm việc cho họ sau khi tốt nghiệp. Thực tế này phản ánh chất lượng đào tạo cũng như sự đánh giá cao của nhà tuyển dụng trong nước và quốc tế đối với Trường.
Đến nay, nhiều cựu sinh viên của Trường đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành CNTT tại Việt Nam và khu vực ASEAN. Họ là CEO, CTO, kiến trúc sư, kỹ sư và nhà khoa học, những người đưa ra quyết định quan trọng trong các công ty, dự án CNTT và các tổ chức.

Có thể bạn quan tâm

Báo cáo mới nhất từ IDC cho thấy Honor và Huawei đã chiếm vị trí đầu tiên về thị phần tại quê nhà Trung Quốc trong quý 1/2024, trong khi Apple rơi xuống vị trí thứ 4, sau cả Oppo.